Kho ứng dụng - "Gót chân Asin" của hai ông lớn công nghệ Apple và Google

Việt Linh (Theo Bloomberg, CNBC, Fortune và The Verge)-Thứ ba, ngày 30/06/2020 19:10 GMT+7

Kho ứng dụng App Store đứng trước thách thức từ cuộc điều tra của Mỹ

VTV.vn - Sức mạnh của kho ứng dụng từng là yếu tố giúp Apple và Google thống lĩnh thị trường di động thì nay lại là đối tượng khiến hai ông lớn này rơi vào các rắc rối pháp lý.

Apple bị bủa vây bởi cả giới chức Mỹ và EU

Hôm 27/6, Bloomberg cho hay, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã bắt tay vào điều tra các quy tắc của Apple đối với kho ứng dụng App Store, đặc biệt là việc buộc các nhà phát triển sử dụng hệ thống thanh toán do hãng thiết lập. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài 1 năm qua từ DOJ với hai ông lớn Google & Apple.

Theo Bloomberg, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiếp xúc với nhiều nhà phát triển trên App Store nhằm có thêm thông tin về cái được gọi là "thuế Apple" - ước tính khoảng 15 - 30% giá trị mà Apple thu về trên mỗi đơn hàng được thanh toán trong ứng dụng.

Tuy nhiên, từ góc độ giới chức Mỹ, con số này không quan trọng bằng việc Apple đã áp đặt các nhà phát triển chỉ được sử dụng hệ thống thanh toán của hãng và không cho phép đưa ra lựa chọn nào khác như PayPal hay thẻ tín dụng.

Kho ứng dụng - Gót chân Asin của hai ông lớn công nghệ Apple và Google - Ảnh 1.

Spotify đâm đơn khiếu nại lên EU do vấn đề "thuế Apple"

Nghiêm trọng hơn cho Apple khi chỉ 10 ngày trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng phát động cuộc điều tra tương tự với App Store và dịch vụ thanh toán Apple Pay. Ngay từ năm ngoái, vấn đề "thuế Apple" đã bị khiếu nại lên EU bởi ông lớn nhạc trực tuyến Spotify với cáo buộc rằng, Apple sử dụng hình thức này nhằm gây khó dễ cho đối thủ trực tiếp của ứng dụng Apple Music.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager - người thường xuyên đối đầu với các ông lớn công nghệ Mỹ trên cương vị Cao ủy về cạnh tranh - cũng cho biết: "Chúng tôi cần đảm bảo rằng các quy tắc của Apple không tạo ra lợi thế ở những lĩnh vực mà Apple trực tiếp cạnh tranh với các nhà phát triển khác, chẳng hạn các lĩnh vực Apple Music và Apple Books".

Kho ứng dụng - Gót chân Asin của hai ông lớn công nghệ Apple và Google - Ảnh 2.

CEO Apple Tim Cook tại sự kiện WWDC 2018

Những cuộc điều tra từ cả Mỹ và EU đã phủ bóng đen lên Hội nghị các nhà phát triển thường niên (WWDC) của Apple hồi tuần trước. Một nhà phát triển giấu tên bình luận: "Thuế Apple 30% là một đòn đánh mạnh vào lợi nhuận và khả năng phát triển dài hạn của chúng tôi. Con số đó thật điên rồ khi so với mức phí chỉ 2 - 4% của hầu như mọi hãng thanh toán khác". Công cụ thanh toán trên App Store cũng bị đánh giá là kém hơn cả về tính năng lẫn các phân tích dữ liệu.

Kho ứng dụng - Đích ngắm của các cuộc điều tra chống độc quyền

Như một nhận định từ Bloomberg, dường như chính sự phổ biến và dẫn đầu thị trường của hai kho ứng dụng App Store từ Apple và Google Play Store lại đang đặt chúng vào tầm ngắm dễ dàng của các nhà quản lý trên khắp thế giới. Chỉ riêng tại Mỹ, hai dịch vụ này đã chiếm tới 95% tổng lượng ứng dụng di động của người tiêu dùng.

Tổng doanh thu của hai kho ứng dụng App Store & Google Play: 100 tỷ USD

Trong đó:

Apple: 45%

Google: 25%

Cũng là đối tượng bị điều tra chống độc quyền nhưng Google được cho là đã tránh việc bị Bộ Tư pháp Mỹ nhắm tới kho ứng dụng, bởi hãng cho phép nhiều hình thức thanh toán khác nhau trên Google Play. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tình hình đã êm xuôi với gã khổng lồ tìm kiếm trong dài hạn.

Ông Ben Schachter, chuyên gia tại hãng phân tích Macquarie, cho rằng: "Việc Bộ Tư pháp Mỹ gộp chung Apple và Google vào một cuộc điều tra là tín hiệu cho thấy mô hình kinh doanh qua kho ứng dụng đang ngày càng nhiều rủi ro. Từ lâu chúng tôi đã đánh giá rằng, các khoản phí trên kho ứng dụng sẽ có thể mang tới các rắc rối pháp lý".

Kho ứng dụng - Gót chân Asin của hai ông lớn công nghệ Apple và Google - Ảnh 3.

Google Play hiện là kho ứng dụng phổ biến thứ 2 sau App Store

Con số khổng lồ gần 3 triệu ứng dụng trên Google Play, thực tế đã được Google sử dụng làm con bài chiến lược để ràng buộc các nhà sản xuất điện thoại. Chính sách của hãng ràng buộc các đơn vị phải cài đặt sẵn ứng dụng tìm kiếm Google và trình duyệt web Chrome trên điện thoại nếu muốn được tiếp cận với Google Play và cả bộ dịch vụ do hãng cung cấp. Điều này trên thực tế đã ngăn chặn cơ hội của các nền tảng phát hành ứng dụng khác trên Android.

Tuy nhiên, điều này không dễ qua mặt giới chức quốc tế. Chính sách trên của Google đã là một phần quan trọng dẫn đến án phạt kỷ lục 5 tỷ USD cách đây 2 năm bởi EU với cáo buộc hãng đã "bóp nghẹt" cạnh tranh nhờ thế thống trị trên Android. Cho dù Google đã kháng cáo, hãng vẫn phải từ bỏ những quy tắc này trong thời gian chờ thụ lý, ít nhất là tại thị trường châu Âu.

Dù không nêu đích danh hai đối thủ nhưng ông Brad Smith, Chủ tịch Microsoft, cũng đưa ra nhận định về xu thế hiện nay: "Dù ở Washington hay Brussels, đã đến lúc chúng ta cần có những thảo luận thực chất về các kho ứng dụng, các quy tắc hay chi phí mà chúng đưa ra, xem phải chăng luật chống độc quyền đã được thực hiện đầy đủ hay chưa".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước