Khó khăn trong giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 05/02/2023 14:06 GMT+7

VTV.vn - Sự cố kinh khí cầu Trung Quốc và chuyến thăm bị trì hoãn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tới Bắc Kinh đang là vấn đề làm nóng lên quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong một diễn biến đầy bất ngờ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến công du được dự định đến Trung Quốc từ 5 - 6/2/2023. Chuyến thăm nếu được diễn ra sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Quốc.

Chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện bay trên không phận Mỹ là nguyên do khiến chuyến thăm bị hoãn vô thời hạn.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối diện với nhiều bất đồng, từ vấn đề Đài Loan, chiến lược an ninh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương đến cuộc cạnh tranh công nghệ và thương mại. Và sự cố kinh khí cầu đã khiến cơ hội tan băng giữa hai cường quốc bị bỏ lỡ.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc vẫn đối mặt với câu hỏi: Làm thế nào để quản trị được rủi ro, tránh các sự cố không mong muốn, tránh rơi vào đối đầu toàn diện trong khi vẫn tìm kiếm được những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác?

Thế khó trong "phá băng" quan hệ Mỹ - Trung Quốc

Chuyến công du được chờ đợi của Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh đã bị hoãn lại vào phút chót sau khi dư luận Mỹ nóng lên vì sự cố khinh khí cầu của Trung Quốc bị phát hiện trên không phận Mỹ.

Khó khăn trong giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP)

"Điều kiện hiện tại không thuận lợi cho một chuyến thăm mang tính xây dựng vào thời điểm này. Tôi đã trao đổi với ông Vương Nghị và khẳng định, Mỹ vẫn duy trì các cam kết ngoại giao với Trung Quốc. Tôi sẽ thăm Trung Quốc khi điều kiện cho phép. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các kênh liên lạc cởi mở với Trung Quốc, bao gồm cả việc giải quyết vụ việc đang diễn ra này để tránh các tính toán sai lầm và xung đột" - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định, khinh khí cầu phục vụ mục đích dân sự, đồng thời tuyên bố không có ý định xâm phạm lãnh thổ, không phận của bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc kêu gọi Mỹ tránh đánh giá sai lầm trong các tình huống bất ngờ.

Khó khăn trong giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 2.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

"Chúng tôi đang xem xét, xác minh sự việc và hy vọng hai bên có thể cùng nhau xử lý sự việc một cách bình tĩnh và thận trọng" - bà Mao Ninh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.

Mặc dù Trung Quốc phủ nhận cáo buộc khinh khí cầu lần này làm nhiệm vụ do thám nhưng có thể thấy rằng, lịch sử quan hệ hai nước không ít lần chứng kiến những tranh cãi xảy ra tương tự.

Năm 2021, Trung Quốc từng cáo buộc Mỹ thực hiện tới hơn 2.000 chuyến bay do thám nhằm vào nước này trên khu vực Biển Đông.

Chính vì thế, việc hoãn chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken được nhận định là một đòn giáng mạnh vào hy vọng phá băng quan hệ Mỹ - Trung Quốc, vốn mới được khởi động vào tháng 11 năm trước sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông John Parachini - Nhà nghiên cứu quốc phòng và các vấn đề quốc tế tại RAND, Mỹ - cho rằng: "Vụ khinh khí cầu xảy ra vào thời điểm này là bất thường và ở nhiều khía cạnh là không may. Chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken tới Trung Quốc là một trong các nỗ lực duy trì đường dây liên lạc mở mà Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra. Tuy nhiên, sự việc này đã tạo ra phức tạp cho cả Trung Quốc và Mỹ".

Trước khi vụ việc khinh khí cầu giám sát xảy ra, quan hệ Mỹ - Trung Quốc cũng liên tiếp có những diễn biến căng thẳng. Cuối tháng 1/2023, Mỹ và đồng minh Nhật Bản, Hà Lan đã đạt được thỏa thuận về tăng cường áp đặt các quy định kiểm soát xuất khẩu đối với lĩnh vực sản xuất chip của Trung Quốc. Mỹ cũng gia tăng củng cố quan hệ với đồng minh tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Ngược lại, Trung Quốc cũng liên tiếp có các hoạt động tập trận, đặc biệt là cuộc tập trận hải quân chung với Nga hồi tháng 12/2022.

Sự cố khinh khí cầu - Vết gợn mới giữa Mỹ, Trung Quốc

Với nước Mỹ, sự cố kinh khí cầu và việc Ngoại trưởng Mỹ Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc không chỉ được nhìn nhận là một sự cố ngoại giao giữa hai nước mà còn trở thành một cuộc tranh cãi nội bộ trong chính giới Mỹ.

Một số thành viên chủ chốt của đảng Cộng hoà yêu cầu bắn hạ kinh khí cầu hoặc thu giữ nó.

Tổng thống Mỹ đã nghe theo tư vấn của Bộ Quốc phòng về khả năng mảnh vỡ của kinh khí cầu khi bắn hạn sẽ gây nguy hại cho người dân dưới đất nên quyết định không bắn.

Trong suốt 2 ngày qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã theo dõi chặt chẽ hoạt động của kinh khí cầu này, bằng các thiết bị hiện đại, bao gồm cả máy bay chiến đấu có người lái nhưng mặt khác lại không muốn cập nhật từng giờ tình hình để làm nóng vấn đề.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định, kinh khí cầu này không gây nguy hại đến an ninh nước Mỹ, trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Kansas là nơi kinh khí cầu bay qua. Ông viết trên Twitter lên án bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm theo dõi người Mỹ và Tổng thống Mỹ phải bảo vệ chủ quyền của Mỹ.

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ huỷ chuyến đi Trung Quốc, cũng có ý kiến ngay trong nội bộ nước Mỹ cho rằng, Mỹ có nhiều vấn đề lớn cần phải được thảo luận và tháo gỡ với Trung Quốc hơn là một kinh khí cầu và việc hai bên mất đi cơ hội tiếp xúc cấp cao này sẽ cản trở việc tạo nền tảng cho mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - nhấn mạnh, Trung Quốc và Mỹ cần giao tiếp kịp thời, tránh đánh giá sai lầm và quản lý sự khác biệt đối với các tình huống bất ngờ. Giới quan sát thấy rằng, không có những lời lẽ lên gân, làm phức tạp tình hình từ phía Trung Quốc.

Trước sự việc kinh khí cầu, Trung Quốc hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, hai nước cần cần cường hợp tác thúc đẩy mối quan hệ để mang lại lợi ích cho hai bên và hòa bình phát triển trên thế giới. Quan hệ giữa hai nước xuống thấp nhất sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào năm ngoái và Trung Quốc đã triển khai tập trận lớn quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh mở cửa lại nền kinh tế với thế giới, với mức tăng trưởng thấp nên hơn lúc nào hết, Trung Quốc mong muốn có một môi trường hòa bình để khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19. Ngay cả khi Mỹ và các nước dồn ép Trung Quốc về cấm - hạn chế bán chip cao cấp cho Trung Quốc, nước này cũng không đáp trả ăn miếng trả miếng như thường thấy. Vậy là Mỹ và Trung Quốc bỏ lỡ cơ hội quý báu trong tìm hướng đi đúng trong quan hệ song phương khi mà hai cường quốc số 1 và số 2 còn nhiều vấn đề bất đồng sâu sắc trong thương mại, chiến lược an ninh của Mỹ ở Đông Á, vấn đề Đài Loan….

Khinh khí cầu không có nhiều giá trị thu thập thông tin

Mỹ đã bắn hạ chiếc kinh khí cầu và Trung Quốc lên tiếng chỉ trích hành động của Mỹ. Một câu hỏi đặt ra là tiếp theo sau đây, hai bên sẽ ứng xử như thế nào, có thực sự muốn làm nóng lên vụ việc hay không?

Khó khăn trong giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 3.

Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Trong nội bộ nền chính trị Mỹ, dù sự việc khinh khí cầu đang gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi nhưng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh những yêu cầu Nhà Trắng cần hành động mạnh mẽ hơn thì cũng có những ý kiến kêu gọi không quá thổi phồng vụ việc.

Trong một bài viết trên tờ Washington Post, ông Holland Michel - người đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu máy bay không người lái tại Đại học Bard, Mỹ - cho rằng, trong vụ việc này, khinh khí cầu không có giá trị trong thu thập thông tin tình báo bởi tất cả những thông tin nào kinh khí cầu này có thể thu thập thì Trung Quốc cũng có thể thu thập bằng các phương tiện khác.

Hiện nay, các vệ tinh chụp ảnh Trái Đất đã được phóng lên quỹ đạo với số lượng đáng kinh ngạc bởi các chính phủ và các công ty thương mại. Nếu như 10 năm trước, hầu hết các địa điểm trên Trái Đất có thể bị vệ tinh giám sát tràn qua chỉ vài ngày hoặc vài tuần thì giờ đây là không quá vài giờ.

Vì vậy, ông Holland Michel cho rằng, giá trị chiến thuật của khinh khí cầu là không có nhiều. Ngay cả bây giờ có nhiều phương tiện theo dõi rẻ hơn một quá khinh khí cầu với tốc độ di chuyển ì ạch. Chẳng hạn như máy bay không người lái. Vì vậy, vụ việc này gây tác động tâm lý nhiều hơn. Khi đối với không phận của Mỹ, cảm giác an toàn đã bị xâm phạm.

Một ý kiến khác, ông Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc của viện Brooking cho rằng, vụ việc kinh khí cầu này có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc và Mỹ hợp tác trong lĩnh vực không gian, nhất là lĩnh vực không quân và vũ trụ vốn cần sự trao đổi và hợp tác ngày càng tăng. Ông Hass viết trên Twitter: "Chúng ta nên nhìn nhận sự việc này như là một cơ hội tiềm tàng để giảm thiểu các vụ vi phạm không phận trong tương lai từ phía Trung Quốc".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước