Diễn đàn Davos năm nay tập trung vào chủ đề "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm" nhằm đề cao vai trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu sẽ tham dự hội nghị này.
Diễn đàn Davos năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà lãnh đạo của các tổ chức và các nước lớn trên thế giới như Tổng Thư ký mới của LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh Theresa May cùng đại diện nhóm chuyển giao quyền lực của Chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Diễn đàn năm nay sẽ tập trung vào 5 vấn đề chính: Hợp tác quốc tế, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, tạo một bản sắc chung, vấn đề cải cách của chủ nghĩa tư bản và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phát biểu trước khi khai mạc hội nghị, thành viên Ban Điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức cho rằng hợp tác toàn cầu, mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại là những chìa khóa dẫn đến sự tăng trưởng đối với nền kinh tế thế giới chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ.
Ông Philipp Roesler, Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới nói: "Chúng ta thấy chiều hướng của chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển. Chúng ta cần có lập trường vững chắc trong thương mại toàn cầu, thị trường mở, thương mại tự do và cạnh tranh công bằng. Cách tốt nhất vẫn là hợp tác toàn cầu".
Người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn các mối đe dọa lớn, trong đó có mối đe dọa về việc làm khiến khoảng 5 triệu người có thể mất việc trong vòng 5 năm tới.
"Chúng ta cần tập trung vào việc tạo việc làm cho giới trẻ. Chúng ta phải tạo dựng lại niềm tin và tin tưởng vào tương lai", ông Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Diễn đàn Davos diễn ra từ ngày 17/1 đến ngày 20/1 được coi là sự kiện quốc tế có ý nghĩa lớn góp phần đề ra những giải pháp bền vững giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!