Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khoảng 170 cựu lãnh đạo các quốc gia trên thế giới và chủ nhân của các giải Nobel đã kêu gọi Mỹ nới lỏng các quy định về sở hữu trí tuệ với vaccine phòng COVID-19 để tạo điều kiện cho các quốc gia nghèo sớm được tiếp cận một trong những công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.
Trong một lá thư ngỏ gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chiều 14/4, nhóm cựu lãnh đạo và chủ nhân các giải Nobel bày tỏ đặc biệt quan ngại khi tiến trình phân phối vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu, cũng như tiến độ tiêm chủng tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình hiện nay quá chậm. Trong khi chương trình tiêm phòng tại Mỹ và nhiều quốc gia giàu có đã đạt được những thành công bước đầu giúp mang lại hy vọng cho người dân những nước này thì đa số người dân còn lại trên thế giới vẫn chưa chắc chắn về khả năng được tiêm phòng.
Nhóm cũng hoan nghênh động thái của Chính phủ Mỹ cân nhắc tạm dừng áp dụng các quy định về sở hữu trí tuệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, theo đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ. Nội dung thư ngỏ nhấn mạnh việc tạm dừng thực hiện các quy định này sẽ là biện pháp thiết yếu để góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19, trực tiếp giúp nâng cao năng lực sản xuất vaccine trên toàn cầu, xóa bỏ tình trạng độc quyền vốn đang khiến nguồn cung vaccine khan hiếm và cản trở mục tiêu phân bổ vaccine đồng đều cho người dân trên thế giới.
Thư ngỏ có đoạn cảnh báo việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và độc quyền vaccine một cách cứng nhắc sẽ tác động xấu tới những nỗ lực tiêm chủng trên thế giới và gây hại cho chính Mỹ. Nội dung thư nêu rõ một khi vẫn còn virus SARS-CoV-2 lây lan trên thế giới thì ngay cả khi đã được tiêm phòng người dân Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ bị biến thể mới của virus tấn công.
Thư ngỏ có chữ ký của các cựu lãnh đạo như cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande và cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cùng các chủ nhân các giải Nobel như Muhammad Yunus, Joseph Stiglitz và Mohamed ElBaradei. Liên minh vaccine nhân dân (PVA), tập hợp các tổ chức và nhà hoạt động kêu gọi châm dứt quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế với các loại vaccine, cũng phối hợp soạn thảo nội dung.
Lá thư trên được công bố chỉ vài ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng phản đối mạnh mẽ tình trạng khan hiếm vaccine phòng COVID-19 dành cho các quốc gia nghèo. Ngày 9/4, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tình hình phân phối vaccine trên toàn cầu vẫn thiếu đồng đều một cách đáng sợ. Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp), tính đến cuối tuần qua, hơn 732 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm tại ít nhất 195 vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có tới khoảng 49% tập trung tại những nước thu nhập cao, nhóm chiếm khoảng 16% tổng dân số toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!