Kéo dài tuổi thọ - mong muốn của không ít người

Chuyển động 24h-Thứ ba, ngày 31/10/2023 11:12 GMT+7

VTV.vn - Tuổi thọ trung bình tăng dần theo thời gian, nhưng mong muốn kéo dài tuổi thọ cũng chưa bao giờ dừng lại.

Kéo dài tuổi thọ có lẽ là mong muốn của không ít người. Thời La Mã, tuổi thọ trung bình của người dân thế giới là 25 tuổi, thời Trung Cổ là 35 tuổi, và giờ là 70 tuổi. Nếu cách đây 30 năm, việc hiện thực hóa mong muốn này được xem là ý tưởng viển vông, thì giờ đây nó đã bắt đầu thành hình, với việc các triệu phú, tỷ phú rót hàng tỷ USD cho các công ty công nghệ nghiên cứu kéo dài tuổi thọ con người. Hành trình đi tìm "suối nguồn tươi trẻ" đang diễn ra như thế nào?

Tại sao chúng ta già đi?

Theo các nhà khoa học, khi cơ thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài như ánh sáng, những chất độc trong không khí, nước và chế độ ăn uống,... sẽ gây nên thay đổi cho những tế bào trong cơ thể. Thay đổi thế nào? Đó là các tế bào bị suy giảm, yếu đi và theo đó là sự chết dần của cả cơ thể. Đó là khi các tế bào đã bị lão hóa.

Tại Tây Ban Nha, các nhà khoa học đã nghiên cứu công nghệ triệt tiêu các tế bào lão hóa này nhằm kéo lại tuổi trẻ.

Kéo dài tuổi thọ - mong muốn của không ít người - Ảnh 1.

Ông Mark Benecke - Nhà sinh học pháp y: "Để sống lâu trăm tuổi thì ăn uống lành mạnh hay có lối sống khoa học thôi là chưa đủ, mà cần có những sự can thiệp sâu hơn, có thể là nhờ thuốc - hay các mũi tiêm".

Để tìm ra các loại thuốc có thể tiêu diệt tế bào lão hóa, một nhóm nhà khoa học tại Scotland đã sử dụng trí tuệ nhân tạo A.I.

Bà Vanessa Smer - Giáo sư trường đại học Edinburg, Scotland: "Đây không phải là phép màu nào cả. Công nghệ A.I đã giúp đẩy nhanh quá trình tìm ra loại thuốc mới, tôi hy vọng nhân loại sẽ có thuốc chống lão hóa sau 10 năm nữa".

Các nghiên cứu tại Tây Ban Nha cho thấy, loài chuột thực sự đã sống lâu hơn khi các tế bào lão hóa của chúng bị tiêu diệt. Nhưng với con người thì sao? Chưa có kết luận cụ thể nào, và mọi thứ vẫn đang được nghiên cứu.

Nhưng một điều chắc chắn, là dù ai nắm được công nghệ cải lão hoàn đồng này, cũng như nắm được kho báu trong tay. Các tỷ phú công nghệ đang ngày càng tỏ ra quan tâm với lĩnh vực chống lão hóa. Mới đây, Giám đốc điều hành OpenAI, Sam Altman, đã đầu tư 180 triệu USD vào Retro Bioscatics, một công ty có sứ mệnh "kéo dài thêm 10 năm tuổi thọ khỏe mạnh cho con người". Người đồng sáng lập Oracle, Larry Ellison, đã quyên góp hàng triệu USD cho nghiên cứu chống lão hóa kể từ năm 1997. Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon hay tập đoàn Google cũng nằm trong danh sách các nhà tài trợ tỷ đô cho các dự án tìm thuốc trường sinh - chống lão hóa.

Kéo dài tuổi thọ - mong muốn của không ít người - Ảnh 2.

Tác dụng phụ của phương thuốc trường sinh

Sự phát triển của công nghệ và tiến bộ của y học đang đến khiến cuộc đua tìm phương thuốc kéo dài tuổi thọ trở nên vô cùng sôi động. Thậm chí đã có tuyên bố rằng, nghiên cứu chống lão hóa vào năm nay 2023 có thể "khởi động cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong y học kể từ khi phát hiện ra thuốc kháng sinh". Dẫu vậy, không thể không kể đến tác dụng phụ của những phương thuốc kéo dài tuổi thọ này một khi nó thực sự được điều chế. Bởi đây chắc chắn sẽ là phương thuốc rất đắt đỏ mà chỉ giới siêu giàu mới tiếp cận nổi, từ đó càng khắc sâu thêm khoảng cách giàu nghèo. Bên cạnh đó, còn những vấn đề khác liên quan khác như thiên nhiên, môi trường…

Ông Christopher Wareham - Nhà nghiên cứu đạo đức sinh học, Đại học Utrecht, Hà Lan: "Giả sử có một loại vaccine chống lão hóa, có lẽ chỉ giới nhà giàu mới tiếp cận được, và nó chỉ càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng mà chúng ta đang phải đối mặt hiện tại".

Đó là nhận định của một nghiên cứu đạo đức sinh học người Hà Lan. Ông cho rằng dù những tiến bộ trong khoa học về tuổi thọ là rất đáng hoan nghênh, nhưng nó cũng có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, về sức khỏe, sự giàu có và quyền lực.

Khi khoa học chống lão hóa tiến gần hơn đến thị trường, cũng sẽ có những câu hỏi lớn liên quan đến đạo đức, về cách phân phối các phương pháp điều trị công bằng. Chính vì vậy, Hevolution Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về tuổi thọ được hỗ trợ bởi hoàng gia Saudi Arabia đã cam kết tầm nhìn của tổ chức này là kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh vì lợi ích của toàn nhân loại. Bởi, nếu đây là phương pháp điều trị trị giá hàng tỷ USD cho một số ít người, thì điều đó chẳng có ích lợi gì.

Kéo dài tuổi thọ - mong muốn của không ít người - Ảnh 3.

Bên cạnh đó là câu hỏi về tính bền vững của môi trường. Khi sử dụng phương thuốc kéo dài tuổi thọ, con người có thể sống lâu hơn, nhưng môi trường lại chịu thêm áp lực. Mỗi năm lượng khí carbon thải ra môi trường một nhiều thêm, tài nguyên bị sử dụng nhiều hơn.

Hiện chưa có phương thuốc nào được chứng thực là có thể đảo ngược quá trình lão hóa. Tất cả đều đang trong quá trình nghiên cứu và trong quá trình ấy, có thể có người nhận ra chỉ lệ thuộc vào một phương pháp là không hiệu quả. Như triệu phú 45 tuổi Bryan Johnson - người mong muốn trở về tuổi 18 - đã nhận ra mình không thu được lợi ích gì từ 6 lần truyền huyết tương của những người trẻ tuổi, trong đó có 1 lần từ con trai mình.

Bí quyết sống lâu từ hòn đảo tách biệt ở Costa Rica

Hàng tỷ USD đã được rót vào các cuộc nghiên cứu phương thuốc kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, ở một nơi tách biệt trên thế giới, chẳng cần đến phương thuốc đắt đỏ nào, mà đa phần người dân đều sống trên 90 tuổi, còn số người sống trên 100 tuổi cũng không phải là ít. Không phải Nhật Bản, hay Hy Lạp, bí quyết sống lâu này đến từ 1 hòn đảo hoang sơ ở Costa Rica.

Kéo dài tuổi thọ - mong muốn của không ít người - Ảnh 4.

Thế giới hầu như không biết rằng đảo Nicoya ở Costa Rica là nơi có số người sống trên 100 tuổi thuộc hàng cao nhất thế giới. Chỉ khi một nhà nghiên cứu tổng hợp những dữ liệu điều tra dân số cách đây vài năm mới phát hiện ra điều này. Môi trường và lối sống lành mạnh của người dân nơi đây được xem những là yếu tố giúp kéo dài tuổi thọ.

Một nguyên nhân quan trọng khác có thể là nhờ telomere của họ dài hơn so với người bình thường. Telomere là một đoạn DNA được tìm tại các đầu mút của mỗi nhiễm sắc thể, giúp bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi các yếu tố tác động bất lợi từ bên ngoài. Các chuyên gia cho rằng, sự ngắn dần của cấu trúc telomere là nguyên nhân chính gây nên lão hóa và phát sinh bệnh tật.

Phát hiện về cấu trúc Telomere người dân trên đảo Nicoya, dẫu vậy, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Điều này cho thấy trên hành trình đi tìm phương thuốc kéo dài tuổi thọ con người, còn ẩn chứa nhiều bí ẩn của tự nhiên mà các nhà khoa học phải lý giải.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước