Giới chuyên gia nhận định về kế hoạch nóng của châu Âu
Công ty Gazprom PJSC thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất bình thường. Lý do được đưa ra là vì các vấn đề bảo trì. Khi xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài, vẫn tồn tại khả năng cắt giảm tổng lượng khí đốt. Điều đó sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế của Châu Âu và có thể làm ngừng hoạt động hệ thống sưởi vào mùa đông của hàng triệu người. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ngay cả khi EU dự trữ trước 90% công suất khí đốt của mình, khối này vẫn có thể phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, kế hoạch nóng cho mùa đông lạnh cần tập trung vào các điểm sau. Trước tiên, các kế hoạch cần được thực hiện để giúp các hộ gia đình dễ bị tổn thương vượt qua một mùa đông lạnh giá, như trợ cấp dựa trên thu nhập đồng thời khuyến khích các hộ gia đình giảm sử dụng năng lượng vào thời gian cao điểm.
Tiếp theo, cần tập trung vào cách quản lý nhu cầu. Giá cao ngất ngưởng đã thúc đẩy các công ty cắt giảm tiêu thụ (hoặc đóng cửa cửa hàng). Tuy nhiên, việc lập kế hoạch tốt hơn sẽ giúp dự đoán sự thiếu hụt nguồn cung và tránh gián đoạn nghiêm trọng hơn. Ví dụ, theo kế hoạch khẩn cấp của Đức, các công ty có thể nhận được khoản bồi thường của chính phủ nếu họ giảm hoặc tạm ngừng sử dụng khí đốt, phần dư sẽ được đưa thị trường rộng lớn hơn thông qua hệ thống đấu giá. Các chuyên gia nhấn mạnh, sự thống nhất sẽ là chìa khóa: Một kế hoạch trên toàn EU nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính và phối hợp các nỗ lực chia sẻ năng lượng - bao gồm cả việc tìm kiếm nguồn cung cấp mới ở nước ngoài - nên được ưu tiên.
Cuối cùng, EU phải tăng cường nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, như tăng cường đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió, Hydro xanh và các nguồn thay thế khác.
EU có thể phải đối mặt với sự gián đoạn khí đốt nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)
Châu Âu chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm tàng vào mùa đông
Nếu Điện Kremlin ra lệnh ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt từ Nga, Ủy ban châu Âu ước tính rằng trong một mùa đông lạnh giá bất thường, lượng khí đốt này sẽ thiếu hụt khoảng 45 tỷ mét khối. Con số này chiếm khoảng 15% những gì các nước thành viên EU thường tiêu thụ trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 3 hằng năm. Khí đốt là nguồn nhiệt hàng đầu của khối và cũng được sử dụng để sản xuất năng lượng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào quốc gia. Vì vậy, EU đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung bị cắt và thời tiết lạnh giá bất thường. Nếu không có sự cắt giảm tự nguyện 15% lượng khí đốt tiêu thụ, một số nơi có nguy cơ mất điện trong mùa đông này.
Mục tiêu 15% tự nguyện của EU đã được các bộ trưởng năng lượng của hầu hết 27 quốc gia thành viên nhất trí. Hungary là quốc gia duy nhất phản đối. Một số thành phố và quốc gia đã bắt đầu hành động để giảm tiêu thụ năng lượng trước mùa đông.
Đức
Đức là nước thành viên EU đi tiên phong trong kế hoạch này sau khi tắt đèn tại các di tích công cộng và tắt hệ thống sưởi tại các tòa nhà do thành phố điều hành như trung tâm giải trí. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc phù hợp với kế hoạch của EU nhằm giảm dần nhu cầu về khí đốt và tránh mất điện trong mùa đông này. Mục tiêu là giảm tiêu thụ năng lượng 15% vào tháng 3 năm sau. Việc cắt giảm này sẽ cho phép các quốc gia vẫn có thể duy trì nguồn nhiên liệu trong trường hợp xấu nhất nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung. Hiện tại, việc cắt giảm là tự nguyện nhưng giá năng lượng tăng cao có thể đóng vai trò là động lực. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng hoặc mức tiêu thụ cao bất thường, Ủy ban Châu Âu có thể bắt buộc áp dụng các quy định này.
Đức chủ yếu sử dụng khí đốt để sưởi ấm, chỉ khoảng 15% dùng để sản xuất điện. Nhưng trên khắp đất nước, các nhà chức trách đang tìm cách cắt giảm tiêu thụ ở cả hai lĩnh vực này. Ở phía Tây Bắc, Hanover trở thành thành phố lớn đầu tiên áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm tắt nước nóng trong vòi hoa sen và bồn tắm tại các cơ sở như trung tâm giải trí. Các tòa nhà thành phố không còn được sưởi ấm quá 20 độ C, các thiết bị điều hòa không khí di động hoặc quạt sưởi cũng không được phép sử dụng. Các thành phố khác đã tắt đèn và đài phun nước ở những nơi công cộng. Bắt đầu từ thứ Tư tuần trước, khoảng 200 di tích lịch sử và các tòa nhà thành phố của Berlin đã chìm trong bóng tối.
Thủ đô Berlin (Đức) tắt bớt đèn để tiết kiệm năng lượng. (Ảnh: Reuters)
Pháp
Pháp sử dụng phần lớn năng lượng (70%) từ năng lượng hạt nhân nhưng vẫn đang tìm cách giảm mức tiêu thụ xuống 10% trong hai năm tới. Các cửa hàng có điều hòa nhiệt độ đã được yêu cầu đóng cửa, nếu không sẽ bị phạt 750 euro. Bộ trưởng phụ trách Chuyển đổi Sinh thái Agnès Pannier-Runacher cho biết việc để cửa mở là "vô lý" khi nó có thể dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn 20%. Sân hiên của quán cà phê và quán bar ngoài trời cũng không được phép làm nóng hoặc làm mát. Lệnh cấm đèn quảng cáo trong khoảng thời gian từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng cũng đã được mở rộng trên toàn quốc nhằm đạt được mục tiêu này. Các văn phòng chính phủ sẽ chỉ có thể bật máy điều hòa không khí nếu trong nhà nóng hơn 26 độ C. Đây là nỗ lực đi đầu trong chiến dịch "tiết kiệm năng lượng" của Tổng thống Macron.
Pháp đặt mục tiêu giảm mức tiêu thụ xuống 10% trong hai năm tới. (Ảnh: The Connexion)
Hy Lạp
Tháng 6 vừa qua, Hy Lạp đã công bố sáng kiến điều nhiệt với mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong năm nay và sau đó là 30% vào năm 2030. Các biện pháp bao gồm, không để nhiệt độ điều hòa không khí ở mức dưới 27 độ C trong các tòa nhà công cộng vào mùa hè; nhân viên văn phòng được yêu cầu đảm bảo tắt máy tính vào cuối ngày. Một số biện pháp khác cũng đang được áp dụng để các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Các tòa nhà công cộng được lắp tấm chắn cửa sổ, cùng với đó là một chương trình trị giá 640 triệu euro nhằm cải thiện hệ thống cửa sổ và làm mát trong các cơ sở thuộc sở hữu nhà nước.
Tây Ban Nha
Mặc dù Tây Ban Nha không phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, chính phủ nước này vẫn khuyến khích người dân giảm tiêu thụ năng lượng. Bộ trưởng Môi trường Teresa Ribera kêu gọi người dân sử dụng năng lượng hợp lý nhất có thể khi đất nước đang tìm cách cắt giảm việc sử dụng khí đốt từ 7 - 8%. "Chúng ta có thể bảo bọn trẻ tắt đèn, hoặc chúng ta có thể kéo rèm xuống. Việc sử dụng máy điều nhiệt đúng cách cũng rất quan trọng" - bà nói.
Thủ tướng Pedro Sánchez thậm chí đã bỏ cà vạt trong một cuộc họp báo và yêu cầu những người khác làm điều tương tự trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng - có lẽ là để giảm nhu cầu về máy điều hòa không khí, mặc dù ông không nói rõ. Ông nói thêm rằng chính phủ sẽ trình bày một kế hoạch tiết kiệm năng lượng mới trong thời gian tới.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez không đeo cà vạt để minh họa cho nỗ lực tiết kiệm năng lượng. (Ảnh: Reuters)
Thỏa thuận của EU sẽ miễn trừ ràng buộc cắt giảm 15% lượng khí đốt đối với Ireland, Malta và Cyprus. Các quốc gia này không được kết nối với mạng lưới khí đốt của các quốc gia thành viên khác và do đó không thể chia sẻ khí đốt dự phòng nếu cần. Các quốc gia có khả năng xuất khẩu khí đốt sang các nước EU khác có thể yêu cầu mục tiêu thấp hơn, miễn là họ xuất khẩu những gì có thể. Các quốc gia hoàn thành vượt mức mục tiêu của EU về việc tích trữ khí đốt vào tháng 8 cũng được phép thực hiện mục tiêu cắt giảm "mềm" hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!