Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. (Ảnh: AP)
Cụ thể, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia này và xây dựng mối quan hệ mới rộng rãi, một động thái định hình lại trật tự chính trị tại khu vực Trung Đông, trong đó có vấn đề Palestine và cuộc chiến chống Iran.
Thỏa thuận trên được biết đến với tên gọi Hiệp ước Abraham và là thỏa thuận đầu tiên kể từ khi Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994.
Theo thỏa thuận với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đã đồng ý đình chỉ kế hoạch sáp nhập các khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, ủng hộ sự phản đối đối với Iran, quốc gia mà UAE, Israel và Mỹ coi là mối đe dọa chính ở khu vực Trung Đông.
Israel - UAE đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Israel đã ký các hiệp ước hòa bình với Ai Cập vào năm 1979 và Jordan vào năm 1994. Tuy nhiên, cho đến nay, UAE cùng với hầu hết quốc gia Arab khác không công nhận Israel và không có quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế chính thức với nước này. Như vậy, UAE đã trở thành quốc gia Arab thứ ba đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái này, sau Ai Cập và Jordan.
UAE, Israel và Mỹ coi đây là một hiệp định lịch sử, bước đột phá hướng tới hòa bình. Trong những tuần tới, phái đoàn Israel và UAE sẽ gặp nhau để ký các thỏa thuận song phương về việc thiết lập đại sứ quán.
Liên Hợp Quốc, Nga, Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã hoan nghênh thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE. Trong khi đó, Palestine đã lên án và bác bỏ thỏa thuận nói trên, cho rằng đây là sự phản bội đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!