Israel đẩy nhanh sáp nhập Bờ Tây: Trung Đông đứng trước những bất ổn mới?

Anh Phương (PV THVN tại Trung Đông)-Thứ năm, ngày 04/06/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Khu vực Trung Đông đứng trước những lo ngại mới khi Israel liên tiếp có những động thái thể hiện đẩy nhanh kế hoạch sáp nhập các vùng đất ở Bờ Tây.

Thủ tướng Israel: Đây là thời điểm vẽ lại bản đồ khu vực

Chủ đề Bờ Tây trở nên nóng hơn trong một vài tuần trở lại đây. Israel nhiều lần khẳng định thời điểm hiện tại là cơ hội lịch sử để vẽ lại bản đồ khu vực này, bất chấp các ý kiến bác bỏ từ Liên Hợp Quốc và liên minh châu Âu - hai trong bốn thành viên của nhóm "bộ tứ" hòa bình Trung Đông.

Những tuần gần đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần nhấn mạnh ý định đẩy nhanh tiến trình sáp nhập các vùng đất ở bờ Tây. Mới nhất ngày 2/6 tại Tel Aviv, ông Netanyahu cho biết, đang trao đổi cụ thể với chính quyền Mỹ về thực hiện kế hoạch sáp nhập.

Israel đẩy nhanh sáp nhập Bờ Tây: Trung Đông đứng trước những bất ổn mới? - Ảnh 1.

Ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã thảo luận với Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman về việc sáp nhập các vùng đất ở Bờ Tây. Ảnh: Reuters

Cùng lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Benny Gantz yêu cầu quân đội tăng cường các hành động chuẩn bị ở nhiều khu vực thuộc bờ Tây. Mà theo lời ông Gantz, là để "chuẩn bị sẵn sàng cho các bước đi chính trị liên quan đến vấn đề Palestine". Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng chính quyền Israel sẽ đưa ra tuyên bố đáng chú ý về vấn đề sáp nhập lãnh thổ trong một vài tuần tới.

Các nước Arab coi kế hoạch này của Israel như sự từ chối mong muốn hòa bình, một động thái đơn phương gây trở ngại nghiêm trọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Palestine tuyên bố chấm dứt mọi hợp tác an ninh với Israel và Mỹ, đồng thời cho biết không còn coi Mỹ là trung gian hòa giải. Nhà nước này chỉ trích hành động sáp nhập của Israel là phi pháp, đồng thời hối thúc Tòa án hình sự quốc tế ICC điều tra về việc Tel Aviv phá dỡ nhà của người Palestine ở Đông Jerusalem - nơi Palestine coi là thủ đô của Nhà nước độc lập trong tương lai với đường biên giới phân định từ trước năm 1967.

Israel đẩy nhanh sáp nhập Bờ Tây: Trung Đông đứng trước những bất ổn mới? - Ảnh 2.

Tel Aviv phá dỡ nhà của người Palestine ở Đông Jerusalem

Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo động thái sáp nhập của Israel sẽ làm tổn hại các cơ hội hòa bình ở Trung Đông. Một số quốc gia châu Âu đã kêu gọi áp đặt trừng phạt Israel nếu nước này xúc tiến kế hoạch sáp nhập nêu trên.

Cơ hội cho người dân Palestine có một Nhà nước riêng ngày càng xa vời

Bờ Tây - tức bờ Tây sông Jordan, là điểm nóng nhiều thập kỷ qua tại Trung Đông, cụ thể giữa Israel với Palestine và các nước Arab. Vùng đất này Israel duy trì chiếm đóng quân sự kể từ cuộc chiến tranh Trung Đông 6 ngày, năm 1967. Tiếp đến là xây dựng các khu định cư của người Israel tại đây. Các khu định cư này bao gồm Đông Jerusalem, bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Liên Hợp Quốc gọi đó là Bờ Tây bị Israel chiếm đóng.

Người Palestine thì tin rằng Bờ Tây phải là một phần của quốc gia có chủ quyền của họ. Nếu kế hoạch sáp nhập được Israel triển khai, cơ hội cho người Palestine có một nhà nước riêng, độc lập theo đúng nguyện vọng sẽ càng xa vời, những gì Palestine mất đi sẽ vĩnh viễn mất đi. Một vòng xoáy bất ổn mới tại Trung Đông là khó tránh. Theo như tuyên bố của liên minh Nghị viện Arab, kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ và Israel đưa ra, trong đó bao gồm việc sáp nhập bờ Tây sông Jordan sẽ chỉ làm leo thang nguy hiểm đe dọa đến an ninh của khu vực này.

Israel đẩy nhanh sáp nhập Bờ Tây: Trung Đông đứng trước những bất ổn mới? - Ảnh 3.

Quân đội tăng cường cảnh giới tại Bờ Tây

Bộ trưởng Quốc phòng Israel trong một tuyên bố mới nhất đã chỉ thị cho quân đội nước này tăng cường cảnh giới tại Bờ Tây. Một động thái được cho là chuẩn bị cho một bước đi mạnh mẽ của Nhà nước Do Thái bất chấp một làn sóng bất ổn. Thủ tướng Israel Netanyahu trong suốt 3 kỳ bầu cử vừa qua đã không ít lần bày tỏ ý định sáp nhập các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây, trở thành lãnh thổ của Israel. Nhưng ông cho biết, lúc này đây mới chính là thời cơ lịch sử.

Thời cơ lịch sử khi lần đầu tiên, một chính phủ Mỹ đã đưa ra lập trường ủng hộ chính thức việc sáp nhập của Israel, được thể hiện trong bản kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump. Ngoài ra, Trung Đông cũng cho rằng, lúc này, thế giới Arab đang phải đối mặt với rất nhiều nỗi lo.

Đại dịch COVID-19 chưa có chiều hướng thuyên giảm, các nền kinh tế Vùng Vịnh thì được dự đoán sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Nay khi mà ông Netanyahu đã đạt được thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền, ông Netanyahu được cho sẽ phải hành động, nếu không muốn mang tiếng là chỉ hứa mà không làm, hay chịu lùi bước trước sức ép của Palestine.

Israel đang tranh thủ sự ủng hộ của Tổng thống Trump

Kế hoạch hòa bình cho Trung Đông do Tổng thống Trump đưa ra, bị Palestine bác bỏ và cộng đồng quốc tế chỉ trích, do được cho là "bật đèn xanh" để Israel sáp nhập phần lãnh thổ chiếm đóng ở Bờ Tây. Israel có đang tranh thủ những tháng cuối trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Trump và tính khả thi của kế hoạch này?

Israel đẩy nhanh sáp nhập Bờ Tây: Trung Đông đứng trước những bất ổn mới? - Ảnh 4.

Khu vực Bờ Tây, nơi tranh chấp hơn nửa thế kỷ giữa Israel và Palestine. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Netanyahu cho biết, kế hoạch sáp nhập sẽ được thực hiện từ 1/7 này. Nhưng cần nhớ đó chỉ là sự khởi động của một lộ trình. Không có nghĩa, sau 1/7 mọi thứ đã an bài. Thực tế, ngay trong nội bộ Israel, việc sáp nhập các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây vào lãnh thổ Israel cũng gặp không ít sự phản đối.

Các cuộc thăm do gần đây cho thấy, có gần 30% người Israel phản đối hoàn toàn các bước đi sáp nhập, 30% bày tỏ sự lưỡng lự. Sự lưỡng lự chính ở đây là nếu sáp nhập thì những người Palestine đang sống tại các vùng Israel dự kiến sáp nhập liệu có trở thành công dân Israel hay không? Nhiều người Israel lo ngại kế hoạch sáp nhập sẽ làm mất đi bản sắc của đất nước Do Thái Israel. Ngoài ra, nếu muốn sáp nhập các khu định cư vào lãnh thổ Israel, thì theo kế hoạch của Tổng thống Trump, Israel cũng sẽ phải công nhận thủ đô của người Palestine tại vùng rìa phía Đông Jerusalem, cũng như đồng ý không được mở rộng hơn nữa các khu định cư tại Bờ Tây.

Thủ tướng Israel sẽ khó mà chỉ sáp nhập, còn phớt lờ các điều khoản khác trong bản kế hoạch hòa bình này của Tổng thống Trump. Trong khi nếu thực hiện cả, thì với dư luận Israel, khéo lại lợi bất cập hại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước