Israel đã triển khai quân sự thực tế tại Bờ Tây?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 07/06/2020 11:00 GMT+7

VTV.vn - Không phải chỉ dừng ở những tuyên bố, Israel đã có những triển khai quân sự thực tế tại Bờ Tây vào tuần qua.

Điều này cho thấy một động thái nào đó xảy ra vào ngày 1/7 tới là hoàn toàn có khả năng. Diễn biến này có thể không bất ngờ nếu chúng ta quan sát chiến dịch tranh cử và sự quyết tâm thực hiện cam kết của Thủ tướng Nentanyahu. Nhưng nó rơi vào thời điểm khá đặc biệt, khi chính quyền mới tuyên thệ chỉ 2 tuần trước và bản thân Thủ tướng Nentanyahu cũng đang vấp không ít vấn đề cá nhân.

28% người Israel phản đối hoàn toàn các bước đi sáp nhập của Thủ tướng Netanyahu

Cuộc khảo sát mới đây tại Israel cho thấy có 28% người Israel phản đối hoàn toàn các bước đi sáp nhập của Thủ tướng Netanyahu trong khi khoảng 30% trả lời rằng họ không dám chắc tính hay - dở của quyết định này. Như vậy là ngay trong nội bộ Israel cũng đang có những quan điểm khác biệt sâu sắc với một quyết định sáp nhập, tưởng như mang dáng dấp chủ nghĩa dân tộc sâu sắc của Thủ tướng Netanyahu.

Israel đã triển khai quân sự thực tế tại Bờ Tây? - Ảnh 1.

Một phần khu vực Bờ Tây. Nguồn: Flash90

Một số người Israel cho biết, với họ, Israel thực hiện một bước đi đơn phương cũng được, nhưng đó phải là các bước đi đơn phương nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và sự tồn vong của Israel. Họ không thấy bước đi này của Thủ tướng Netanyahu giúp gì cho những mục tiêu đó. Ngược lại những người ủng hộ quyết định thì tin rằng đây là điều rất cần thiết cho an ninh Israel, nó đảm bảo Israel có toàn quyền kiểm soát biên giới tại Bờ Tây, tránh được nguy cơ tuồn vũ khí từ nước ngoài vào để phục vụ các cuộc đấu tranh của người Palestine.

Nhưng đấy là nói về quan điểm trong xã hội Israel. Còn nhiều khả năng, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu sẽ đạt được sự ủng hộ đa số tại Quốc hội để triển khai các bước đi sáp nhập kể từ 1/7.

Có thể ông Netanyahu sẽ vừa triển khai, vừa nghe ngóng phản ứng của khu vực

Thủ tướng Netanyahu thời gian gần đây nhiều lần bày tỏ sẽ không thay đổi thời điểm dự kiến cho kế hoạch sáp nhập là từ 1/7 tới. Nhưng chỉ còn chưa tới 1 tháng, mà chưa ai được biết kế hoạch sáp nhập của ông cụ thể sẽ là như thế nào. Người ta cho rằng có thể chính ông Netanyahu cũng chưa dám chắc hình thù cụ thể của kế hoạch này. Có thể, ông sẽ vừa triển khai, vừa nghe ngóng phản ứng của khu vực và thế giới để xác định bước đi phù hợp.

Israel đã triển khai quân sự thực tế tại Bờ Tây? - Ảnh 2.

Quân đội Mỹ ở Syria. Nguồn: Getty Images

Trong các sự phản ứng, thì hệ quả Israel lo lắng nhất có lẽ là nó sẽ làm thúc đẩy tư tưởng chống Israel trong khu vực. Và Iran, đối thủ số 1 của Israel sẽ nhân cơ hội này để củng cố những lực lượng thân thiết của mình như Hezbollah hay Hamas để chống Israel.

Trong bối cảnh các nước Vùng Vịnh cho thấy họ còn mặn mà với ý tưởng một liên minh chống Iran nữa, mà tập trung giải quyết các vấn đề đau đầu kinh tế nội tại. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Iran và Israel được dự kiến sẽ là cuộc đối đầu chính tại Trung Đông thời gian tới. Ngay trong giai đoàn đại dịch COVID-19 thời gian qua, hai bên cũng cho thấy họ không ngơi nghỉ trạng thái đối đầu nhau, từ chiến tranh mạng cho tới thử tên lửa đạn đạo hay các bước đi cạnh tranh tại Syria.

Mỹ đang đẩy cao vai trò Israel cho những tính toán xa hơn?

Từ rất lâu, Trung Đông vẫn được xem là 1 khu vực đan xen lợi ích và tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước, đặc biệt là nước lớn. Mỗi động thái đều có dẫn đến nhiều hệ quả ràng buộc. Gần đây vai trò của Mỹ tại khu vực bị cho là đi xuống, khi rút quân khỏi Syria và Afganistan, quan hệ với đồng minh quan trọng Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi.

Israel đã triển khai quân sự thực tế tại Bờ Tây? - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ D. Trump công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông”, ngày 28/1/2020. Nguồn: Getty Images

Trong diễn biến tình hình Israel - Palestine hiện nay, quan sát sự thiên vị không che giấu của chính quyền Tổng thống Trump với Israel, quan sát sự căng thẳng cố hữu giữa Israel với Iran và Syria, có thể hiểu Mỹ đang đẩy cao vai trò Israel cho những tính toán xa hơn sắp tới ở khu vực này.

Nhưng một kế hoạch hòa bình khó khả thi và thiếu sự đồng thuận quốc tế, được đánh giá là thậm chí lợi bất cập hại. Việc Mỹ không có khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine có thể là con dao hai lưỡi khoét sâu hơn những xung đột khu vực. Hoặc cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước