Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Mỹ hiện đang đối mặt với nguy cơ lây lan của biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên tại Peru vào cuối năm ngoái. Các kết quả phân tích gene cho thấy hơn 1.000 ca bệnh nhiễm biến thể Lambda đã được phát hiện trên toàn nước Mỹ. Dù sự xuất hiện của biến thể Delta vẫn đang là lo ngại chính lúc này tại Mỹ, nhưng giới chức cũng không ngừng theo dõi diễn biến lây lan biến thể Lambda.
Theo Tiến sĩ Preeti Malani, Giám đốc bộ phận các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan ở Ann Arbor, Lambda có những đột biến đang được quan tâm nhưng biến thể này vẫn khá hiếm ở Mỹ dù đã tồn tại được vài tháng. Chuyên gia của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ này cũng nhận định, dường như Lambda dễ lây truyền hơn virus SARS-CoV-2 ban đầu, đồng thời nhấn mạnh các loại vaccine hiện có vẫn có tác dụng bảo vệ.
Một người đeo khẩu trang tại Chicago ngày 27/7. Ảnh: Getty Images
Trong khi đó khu vực châu Á đang là điểm nóng của dịch COVID-19 trên thế giới do biến thể Delta hoành hành. Trong ngày 9/8, Iran đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao chưa từng thấy (40.808 ca) - cao nhất khu vực. Các cơ quan y tế Iran đã cảnh báo về những kịch bản tồi tệ ở nước này trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 nếu chính phủ không triển khai các biện pháp kiểm soát mới và tiến độ tiêm chủng không được đẩy nhanh.
Ngoài Iran, một số quốc gia Đông Nam Á đang chứng kiến sự lây lan nghiêm trọng của dịch COVID-19. Trong ngày 9/8, Indonesia ghi nhận 20.709 ca nhiễm mới, Thái Lan có thêm 19.603 ca, Malaysia có thêm 17.236 ca,... Tính đến nay, châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 với tổng số ca mắc là 64.327.678 ca. Hiện các nước Đông Nam Á cũng đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine, tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao để kiềm chế sự lây lan của SARS-CoV-2.
Do dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, bang New South Wales của Australia đã áp dụng lệnh phong tỏa đối với thị trấn Tamworth do lo ngại dịch bệnh COVID-19 có thể đã lây lan từ thành phố Sydney về vùng nông thôn này.
Nhiều khu vực tại Australia đang ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters
Nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo cơ quan quản lý dược phẩm của nước này đã cấp phép tạm thời sử dụng đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ). Tháng 5 vừa qua, Australia đã đạt được thỏa thuận mua 25 triệu liều vaccine của Moderna. Thủ tướng Morrison cho biết, nước này dự kiến tiếp nhận lô vaccine đầu tiên gồm 1 triệu liều vào tháng 9 tới.
Tại châu Âu, Nga đang là điểm nóng dịch bệnh tại châu lục này với số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 9/8 là 22.160 ca. Ngoài Anh, nhiều nước châu Âu thận trọng trong việc xem xét gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm khôi phục trạng thái bình thường mới, trong bối cảnh biến thể Delta đang tiếp tục lây lan tại một số nước châu Âu bất kể tỷ lệ tiêm chủng đã đạt mức cao.
Trong khi đó, châu Phi đã ghi nhận tổng số ca mắc vượt 7 triệu ca, lên 7.078.484 ca mắc COVID-19 và hơn 177.000 ca tử vong. Hiện châu Phi đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh thứ ba, khiến châu lục này ghi nhận thêm khoảng 1 triệu trường hợp chỉ trong 3 tuần qua, kể từ ngày 14/7 đến nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!