Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Subianto ưu tiên các chính sách về kinh tế như phát triển công nghiệp hạ nguồn, đồng thời mở rộng sang một số lĩnh vực khác như dầu cọ, thủy sản, sản phẩm nông nghiệp. Chính sách của ông Prabowo cũng hướng nhiều vào tầng lớp người lao động, người có thu nhập thấp. Một trong những chương trình đầu tiên vừa được ông công bố là bữa trưa miễn phí hỗ trợ người khó khăn.
Indonesia kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng
Bữa ăn miễn phí được đánh giá là một trong những chiến lược ngắn hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những bữa ăn này không chỉ cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em mà còn thúc đẩy phát triển khu vực bằng cách thu hút các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Với mục tiêu cung cấp thực phẩm cho 82 triệu trẻ em, giáo viên và phụ nữ mang thai, ước tính, chính phủ Indonesia sẽ chi khoảng 450.000 tỷ Rupiah (hơn 28 tỷ USD) mỗi năm cho chương trình này. Đây được kỳ vọng là một trong những chính sách kinh tế - xã hội quan trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống mới, góp phần giúp Indonesia đạt những mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn.
Trong khi đó, chiến lược trung hạn sẽ bao gồm tăng cường các hoạt động kinh tế hướng đến xuất khẩu và chuyển đổi xanh. Mục đích là tạo ra giá trị gia tăng cao và phát thải thấp.
Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto (Ảnh: channelnewsasia)
Trong năm 2025, Indonesia đặt ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ là 5,2%, xa hơn là tầm nhìn Indonesia Vàng vào năm 2045, trong đó đưa "xứ sở vạn đảo" trở thành nền kinh tế phát triển với tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người hơn 30.000 USD, GDP 9.800 tỷ USD và 70% dân số thuộc nhóm trung lưu.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo còn có một di sản không thể không nhắc đến là kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia, từ Jakarta trên đảo Java đến thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan. Ông Prabowo - người sắp thay thế ông Widodo - được cho là sẽ tiếp tục thực hiện hóa tầm nhìn chiến lược này.
Thủ đô mới Nusantara không chỉ được xem là niềm tự hào của người dân và chính phủ Indonesia với nhiều kỳ vọng mới mà siêu dự án trị giá 32 tỷ USD này còn thu hút nhiều sự chú ý của các tỷ phú và nhà đầu tư lớn.
Nusantara và kỳ vọng của Indonesia
Nằm cách Jakarta 1.200 km, siêu dự án Nusantara được công bố từ năm 2019, với kỳ vọng thay thế thủ đô Jakarta vốn phải đối mặt quá nhiều vấn đề như kẹt xe, sụt lún. Dự án được chia thành 5 giai đoạn xây dựng cho đến năm 2045.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh: "Đây là một siêu dự án, với thời hạn từ 15 đến 20 năm. Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi đang chạy theo thời hạn nhưng không phải vậy, chúng tôi đang thực hiện theo tiến độ, theo kế hoạch và các giai đoạn chúng tôi đã đặt ra".
Sau giai đoạn 1, Indonesia sẽ bắt tay vào giai đoạn 2 đến giai đoạn 5 kéo dài từ năm 2025 - 2045, với 20% nguồn vốn là từ kinh phí nhà nước, còn lại là nguồn đầu tư tư nhân. Để thu hút vốn, Tổng thống Widodo đã ký một sắc lệnh về ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào phát triển dịch vụ và hạ tầng ở Nusantara. Các ưu đãi bao gồm đảm bảo một số quyền sử dụng đất như quyền trồng trọt, có thể tới 190 năm.
Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto (phải) và Tổng thống Joko Widodo (giữa) ở trước Cung điện Garuda mới hoàn thành tại thủ đô mới Nusantara, ngày 12/8 (Ảnh: Jakartapost)
Indonesia cũng triển khai chương trình thị thực dài hạn có tên gọi "thị thực vàng", nhằm mời gọi "các nhà đầu tư chất lượng tốt" đến với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu các chính sách để thu hút các công ty tài chính công nghệ đầu tư vào thủ đô mới. Một số ưu đãi như các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và ngành dịch vụ sẽ được miễn thuế doanh nghiệp trong 30 năm cho các dự án được thực hiện từ năm 2022 đến 2035, và 25 năm cho các dự án từ năm 2036 đến 2045. Các công ty cũng sẽ được hưởng lợi ở các khoản khấu trừ thuế 100% trong 10 năm nếu họ xây dựng trụ sở tại Nusantara hoặc di dời các chi nhánh sang thủ đô mới.
Cũng trong nỗ lực nâng tầm vị thế toàn cầu, Indonesia đang đẩy mạnh quá trình vận động đăng cai cũng như xây dựng các cơ sở hạ tầng thể thao chuẩn bị cho Thế vận hội 2036 tại thủ đô mới Nusantara.
Ông Anindya Barkie - trưởng đoàn Indonesia tham dự Olympic Paris - nhận định: "Tôi nghĩ vào năm 2036, Indonesia có thể tạo một dấu ấn trước dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Độc lập, tức là vào năm 2045. Indonesia hiện là động lực tăng trưởng của thế giới với dân số không hề nhỏ, khoảng 285 triệu người. Nếu kết hợp với các nước ASEAN, con số là gần 1 tỷ người. Ngoài ra, Indonesia cũng là điểm đến hàng đầu cho khách du lịch và mọi người ở khắp nơi".
Nếu thành công, sự kiện sẽ không chỉ là lời chào ấn tượng của Nusantara với bạn bè quốc tế mà còn củng cố hình ảnh và uy tín của Indonesia, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển đất nước.
Chính sách của Indonesia trong nhiệm kỳ Tổng thống mới
Theo giới quan sát, việc ông Prabowo đắc cử cho thấy các chính sách kinh tế quan trọng của chính quyền Tổng thống Joko Widodo sẽ được tiếp nối. Trước hết phải kể đến chính sách phát triển công nghiệp hạ nguồn, phát triển vùng - một phần bao gồm việc xây dựng thủ đô mới Nusantara và dự án phát triển nhiều giai đoạn cho các vùng lân cận của thủ đô mới ở Đông Kalimantan, cũng như các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đang diễn ra.
Bản thân ông Prabowo mới đây đã tái khẳng định cam kết tiếp tục theo đuổi dự án phát triển thủ đô mới Nusantara và cho biết sẽ chuyển đến thủ đô mới làm việc ngay sau khi nhậm chức. Kế hoạch phát triển hạ tầng quan trọng khác mà ông Prabowo sẽ tiếp tục thúc đẩy là mở rộng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung dọc theo bờ biển phía Nam Java đến Yogyakarta và sau đó xa hơn về phía Đông đến Surabaya.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo cũng đưa ra các chính sách kinh tế riêng, tập trung vào an ninh lương thực và năng lượng, đảm bảo khả năng tự cung tự cấp của Indonesia. Ông đề ra chương trình hỗ trợ xã hội lớn dưới hình thức cung cấp sữa và bữa trưa miễn phí cho hàng triệu học sinh và phụ nữ mang thai trên toàn quốc… Với các chính sách kinh tế được tiếp nối, ông Prabowo tiếp tục sứ mệnh của Tổng thống Jokowi nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, giảm nạn quan liêu và mục tiêu lớn hơn là mang lại sự tăng trưởng, thịnh vượng cho nền kinh tế Indonesia.
Indonesia, với mối quan hệ thương mại chặt chẽ và mở rộng trên khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ, đang đứng trước nhiều cơ hội để thúc đẩy hội nhập toàn cầu. Sau hơn 1 thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, Indonesia được dự báo sẽ bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành một điểm sáng kinh tế trong những năm tới, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự tương lai của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!