Tình hình dịch bệnh tại Indonesia đang diễn biến khó lường. Ngày 13/7, nước này ghi nhận hơn 47.800 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, Indonesia đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt 40.000 ca trong hai ngày liên tiếp, cao hơn cả số ca mắc mới hàng ngày tại Ấn Độ, biến Indonesia trở thành tâm điểm đại dịch COVID-19 mới ở châu Á.
Điều đáng báo động là số ca mắc mới hàng ngày tại Indonesia cao hơn Ấn Độ, dù dân số nước này chỉ bằng 1/5 dân số Ấn Độ. Indonesia hiện ghi nhận khoảng 132 ca mắc trên 1 triệu người, trong khi tỷ lệ này ở Ấn Độ chỉ là 26 trường hợp. Tỷ lệ tử vong trung bình do COVID-19 ở Indonesia là 3 người trên 1 triệu dân, trong khi Ấn Độ ghi nhận chưa đến 1 ca trên 1 triệu người. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, những số liệu này còn chưa tính đến tình trạng xét nghiệm và truy vết vẫn còn kém ở Indonesia. Hiện tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân COVID-19 ở 12 tỉnh tại Indonesia đã vượt 70%, trong khi tại thủ đô Jakarta, con số này đã lên tới gần 90%.
Ngày 13/7, Indonesia ghi nhận kỷ lục số ca mắc mới COVID-19 với hơn 47.800 trường hợp. (Ảnh: AP)
Trước một số lượng quá lớn các ca nhiễm như vậy, hệ thống y tế của Indonesia, về cơ bản đã bị quá tải từ lâu, không thể làm gì thêm. Cách xử lý của Indonesia lúc này là cấp thuốc cho các ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để họ tự cách ly và điều trị tại nhà.
Còn biện pháp ứng phó cơ bản và lâu dài vẫn là vaccine COVID-19. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, Indonesia đang xem xét cấp phép sử dụng cho nhiều loại vaccine. Thông tin mới nhất là vaccine do Pfizer sản xuất có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong ngày 14/7. Tiếp đến có thể là vaccine Sputnik-V của Nga, Novavax của Mỹ.
Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia cho biết sẽ cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho Regdanvimab, một loại kháng thể đơn dòng dùng để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng, vào tuần thứ 3 của tháng 7 này.
Cũng trong ngày 13/7, Malaysia ghi nhận thêm 11.079 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày. Cơ quan chức năng Malaysia dự báo, số ca nhiễm tiếp tục tăng lên trong 2 tuần tới.
Số ca nhiễm COVId-19 tại Malaysia sẽ tiếp tục tăng lên trong 2 tuần tới. (Ảnh: AP)
Trong lúc này, Malaysia tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine. Đến nay, có ít nhất 11,8 triệu người (gần 1/4 dân số Malaysia) đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết, nước này nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine tính trên dân số trong 1 ngày cao nhất thế giới. Theo đó, riêng trong ngày 12/7, Malaysia đã tiêm được 421.470 mũi vaccine ngừa COVID-19, mức cao nhất từ trước tới nay. Malaysia đặt mục tiêu, 80% dân số của nước này sẽ được tiêm trước cuối năm 2021.
Thủ tướng Malysia cho biết, chính sách an ninh quốc gia 2021 - 2025 mới nhất đã tính đến các mối đe dọa của COVID-19 và tất cả các chiến lược để giải quyết đại dịch. Thủ tướng Malaysia khẳng định, cách tiếp cận mới cũng bao gồm khái niệm "An ninh toàn diện", thay thế khái niệm "Phòng thủ toàn diện", kết hợp các yếu tố an ninh nội bộ, quốc phòng, trật tự công cộng, chính trị, kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Indonesia có số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay, ca nhiễm/ngày tại Pháp tăng gấp đôi sau 5 ngày VTV.vn - Đến sáng 14/7, thế giới có trên 188,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,06 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. | Số ca mắc COVID-19 ở Malaysia và Indonesia cao hơn nhiều so với mức công bố VTV.vn - Tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại Indonesia và Malaysia, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. | Indonesia trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên vượt mốc 2,5 triệu ca COVID-19 VTV.vn - Ngoài số ca nhiễm vượt mốc 2,5 triệu người, hiện Indonesia cũng thuộc nhóm nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày cao nhất thế giới. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!