Dự báo có khoảng 16 triệu gia đình nghèo trong diện được hỗ trợ gạo theo chương trình của Chính phủ Indonesia trong năm 2025, thay vì con số 22 triệu gia đình trong năm nay.
Theo kế hoạch, mỗi gia đình thuộc diện chính sách sẽ tiếp tục được hỗ trợ 10 kg gạo mỗi tháng để ổn định cuộc sống. Ngoài ra, chương trình Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí cũng là một chính sách của Chính phủ Indonesia nhằm hỗ trợ người nghèo.
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy chương trình tự túc lương thực, trong đó hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, cung cấp cây giống, cũng như đào tạo khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, xóa đói giảm nghèo.
Trước đó, vào tháng 3, Chính phủ Indonesia đẩy nhanh việc bổ sung kho gạo của Cơ quan Hậu cần Nhà nước để chuẩn bị cho tháng lễ Ramadan. Theo đó, cùng với chương trình hỗ trợ gạo cho người nghèo, Chính phủ Indonesia đẩy nhanh việc bổ sung kho gạo của Cơ quan Hậu cần Nhà nước.
Chính phủ Indonesia đã nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam để ổn định giá.
Theo tính toán của Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bapanas), lượng gạo tồn kho tại kho Bulog ít nhất phải đạt 1,2 triệu tấn - ngưỡng an toàn, tuy nhiên hiện nay, trong kho của Bulog chỉ có lượng gạo ở mức 800.000 tấn.
Thực tế là lượng gạo bổ sung đang trong quá trình nhập khẩu về. Khoảng 500.000 đến 600.000 tấn gạo đang được vận chuyển từ nước ngoài vào Indonesia.
Theo Bapanas, chính sách nhập khẩu gạo của Chính phủ nước này nhằm củng cố nguồn dự trữ gạo và sẽ không gây ảnh hưởng đến nông dân trong nước vì số gạo này sẽ được chuyển vào dự trữ thay vì phân phối trực tiếp ra thị trường.
Indonesia nằm trong số những quốc gia đứng đầu thế giới về mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!