IEA: Đầu tư vào hiệu quả năng lượng cần đạt 1.800 tỷ USD vào 2030

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ sáu, ngày 09/06/2023 06:34 GMT+7

(Ảnh: CXO Today)

VTV.vn - Các khoản đầu tư vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng phải tăng gấp ba lần trong thập kỷ này nếu muốn kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Thông tin từ báo cáo do Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) mới đưa ra.

Trong khi các khoản đầu tư vào hiệu quả năng lượng dự kiến đạt mức kỷ lục hơn 600 tỷ USD trong năm nay, IEA lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại do lãi suất cao hơn, đồng thời nhấn mạnh các khoản đầu tư cần đạt 1.800 tỷ USD vào năm 2030.

Các khoản đầu tư trên sẽ cho phép tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng hàng năm lên 4%, làm giảm nhu cầu năng lượng và tiêu thụ nhiên liệu. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và an ninh năng lượng cao hơn cho các quốc gia.

Trong một báo cáo, IEA cho biết, bên cạnh những lợi ích kinh tế và xã hội khác, sự gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ giúp giảm đáng kể lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời tạo việc làm, mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng, giảm hóa đơn năng lượng, giảm ô nhiễm không khí và giảm bớt sự phụ thuộc của các quốc gia vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

IEA, cơ quan tư vấn chính sách cho các quốc gia, vào ngày 7/6 đã tổ chức một hội nghị về hiệu quả năng lượng tại Pháp, với sự quy tụ các quan chức và doanh nghiệp từ hơn 80 quốc gia.

IEA: Đầu tư vào hiệu quả năng lượng cần đạt 1.800 tỷ USD vào 2030 - Ảnh 1.

(Ảnh: GreenBiz)

Cơ quan trên lưu ý, nếu các chính sách hiện tại của chính phủ về tăng cường hiệu quả năng lượng được đẩy nhanh và thực hiện đầy đủ, nó sẽ đóng góp rất lớn vào nỗ lực để tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng hàng năm.

Brian Motherway, người đứng đầu Bộ phận tiết kiệm năng lượng của IEA, cho biết, thông thường, các chính phủ không tập trung vào hiệu quả năng lượng nhiều như cơ quan này kỳ vọng. Bên cạnh đó, dù các chính phủ nỗ lực thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng vẫn cần tập trung hơn vào cách sử dụng nguồn năng lượng này.

IEA cho biết, sản lượng điện tái tạo sẽ tăng kỷ lục trong năm nay do giá nhiên liệu hóa thạch cao và những lo ngại về an ninh năng lượng đã thúc đẩy việc triển khai các hệ thống năng lượng mặt trời và gió.

Trong báo cáo được công bố vào ngày 1/6, IEA thông tin, công suất năng lượng tái tạo bổ sung trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 107 GW, lên hơn 440GW vào năm 2023.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol đánh giá: "Thế giới sắp bổ sung một lượng năng lượng tái tạo kỷ lục vào các hệ thống điện, nhiều hơn tổng công suất điện của Đức và Tây Ban Nha cộng lại".

Cơ quan này cho biết thêm, tổng công suất điện tái tạo của thế giới dự kiến sẽ tăng lên 4.500 GW vào năm 2024, bằng sản lượng điện của Trung Quốc và Mỹ cộng lại.

Trung Quốc sẽ củng cố vị trí đầu bảng trong lĩnh vực này, chiếm 55% tổng bổ sung toàn cầu trong năm nay và năm 2024.

IEA đã nâng dự báo công suất năng lượng tái tạo bổ sung ở châu Âu lên 40% khi các nước tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên của Nga sau xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo cơ quan tư vấn cho các quốc gia phát triển, sản lượng điện mặt trời và gió mới được lắp đặt ước tính sẽ tiết kiệm cho người tiêu dùng điện ở Liên minh châu Âu (EU) 100 tỷ Euro (107 tỷ USD) trong giai đoạn 2021 - 2023 khi thay thế được cho nhiên liệu hóa thạch đắt tiền hơn.

Hàng loạt mô hình phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả trên thế giới Hàng loạt mô hình phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả trên thế giới

VTV.vn - Trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, cam kết giảm thiểu khí thải, nhiều quốc gia đang chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước