Nhiều người muốn bỏ hút thuốc lá nhưng ngại thử vì sợ sẽ bị tăng cân. Tuy nhiên, theo kết quả của một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Addiction, việc tiếp tục hút thuốc lá cũng có thể góp phần làm tăng cân.
Nghiên cứu cho thấy rằng cả việc bắt đầu hút thuốc và hút thuốc suốt đời đều có thể làm tăng mỡ bụng của một người. Điều này đặc biệt đúng với mỡ nội tạng, mỡ ở vùng bụng. Loại chất béo này có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, mất trí nhớ và bệnh tiểu đường cao hơn.
Vì vậy, mặc dù việc ngừng hút thuốc có thể dẫn đến tăng cân trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài nếu không dừng lại, người sử dụng thuốc lá có thể bị tăng mỡ bụng và khiến sức khỏe của bản thân họ gặp nhiều nguy cơ hơn.
Để nghiên cứu vấn đề này, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chuyển hóa Cơ bản NNF tại Đại học Copenhagen đã sử dụng hai nghiên cứu lớn về tổ tiên của người châu Âu. Những nghiên cứu này được thực hiện với 1,2 triệu người đã bắt đầu hút thuốc và hơn 450.000 người hút thuốc suốt đời.
Các nhà nghiên cứu đồng thời thu thập dữ liệu về phân bổ mỡ trong cơ thể cho một nghiên cứu bao gồm hơn 600.000 người. Họ đã sử dụng một kỹ thuật gọi là "Sự ngẫu nhiên của Mendel" để xem liệu hút thuốc có làm tăng mỡ trong cơ thể hay không.
Đầu tiên, họ xem xét các nghiên cứu di truyền để xác định gene nào có liên quan đến việc hút thuốc và phân bổ mỡ trong cơ thể. Sau đó, họ có thể sử dụng thông tin này để xem liệu những người có gen liên quan đến hút thuốc cũng có sự phân bổ mỡ cơ thể khác nhau hay không.
Ngoài ra, họ còn tìm cách loại trừ các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả, chẳng hạn như sử dụng rượu, hành vi chấp nhận rủi ro, ADHD (rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn) và tình trạng kinh tế - xã hội.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng mối liên hệ giữa hút thuốc và một loạt rối loạn chuyển hóa như cholesterol cao, kháng insulin, huyết áp cao và bệnh tiểu đường loại 2 đã được biết rõ.
Mặc dù nghiên cứu kiểm soát một số yếu tố hành vi nhất định như uống rượu, tập thể dục và ăn kiêng, việc hút thuốc lá, chế độ ăn uống kém và lối sống ít vận động đều có thể góp phần hình thành mỡ nội tạng.
Ngoài ra, nicotine trong thuốc lá có liên quan trực tiếp đến mức cholesterol cao. Theo đó, hút thuốc có thể làm tăng mức cholesterol LDL (cholesterol xấu) và làm giảm mức cholesterol HDL (cholesterol tốt). Nhìn chung, hầu hết các phát hiện đều cho thấy cần nhấn mạnh đến tác hại của hút thuốc lá - nguy cơ tăng mỡ nội tạng (béo phì vùng bụng), tình trạng kháng insulin và các tình trạng liên quan ở những người hút thuốc.
Mỡ nội tạng không nhìn thấy được, bao quanh các bộ phận bên trong cơ thể. Tỷ lệ mỡ nội tạng trong tổng lượng mỡ của cơ thể vào khoảng 10% là bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ nội tạng quá nhiều có thể gây ra chứng viêm, góp phần gây các bệnh mãn tính, bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 và các bệnh khác liên quan trao đổi chất. Việc bỏ thuốc lá không hề dễ dàng, nhưng một trong những cách hiệu quả để tăng thể trạng cơ thể là tập thể dục thường xuyên 30 phút/ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!