Hơn hai thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 31/05/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau hai vòng bầu cử gay cấn, Tổng thống Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng với kết quả thuyết phục. Ông sẽ tiếp tục chèo lái đất nước thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Năm 2023 không chỉ là tròn 100 năm thành lập nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn là tròn 20 năm ông Tayyip Erdogan lên nắm quyền. Tận dụng vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng, dưới sự lãnh đạo của mình, ông Erdogan đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc tầm trung ở ngã ba châu Âu - châu Á - Trung Đông, đồng thời nâng cao vị thế quốc tế và tầm ảnh hưởng của quốc gia này.

Trong 20 năm cầm quyền, là thủ tướng trong giai đoạn 2003-2014 và tổng thống từ năm 2014, ông Erdogan là nhà lãnh đạo có những thành tựu, nỗ lực cụ thể để hiện thực hóa các tham vọng vươn tầm của đất nước. Nhờ những cải cách kinh tế triệt để, thu nhập bình quân đầu người tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt từ 3.000 USD năm 2002 lên 12.000 USD năm 2012, một mức cao kỷ lục, biến nước này trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện đứng thứ 19 trên thế giới về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa, đạt hơn 1.000 tỷ USD. Nước này cũng nằm trong top 5 về tốc độ tăng trưởng GDP trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành cường quốc quân sự lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Erdogan cũng tham gia giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu. Mới đây nhất là vai trò trung gian hòa giải, tổ chức đối thoại Nga - Ukraine và đạt được thỏa thuận xuất khẩu lúa mì, giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu lương thực nghiêm trọng của các quốc gia Trung Đông và châu Phi. Đồng thời, với việc tiếp nhận và cưu mang khoảng 4 triệu người tị nạn Syria, ông Erdogan cũng đã giúp châu Âu tránh được một cuộc khủng hoảng di cư lớn.

Hơn hai thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - Ảnh 1.

Kinh tế - vấn đề quan tâm hàng đầu

Bên cạnh những dấu ấn đậm nét, chiến thắng của ông Erdogan diễn ra trong bối cảnh đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn về kinh tế và khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất khoảng 90% giá trị so với đồng USD trong thập kỷ qua, cùng với dự trữ ngoại hối ròng lần đầu tiên rơi xuống mức âm kể từ năm 2002. Do đó, các vấn đề kinh tế cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của người dân nước này.

Ngay sau chiến thắng của ông Erdogan, nhiều người ủng hộ ông đã chúc mừng chiến thắng, đồng thời bày tỏ hy vọng và tin tưởng ông sẽ tiếp tục chèo lái đưa Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua những thách thức hiện tại.

Anh Erkan Aktas - Người dân Thổ Nhĩ Kỳ: "Mặc dù vẫn đang vật lộn với tình hình khủng hoảng kinh tế, nhưng chúng tôi hy vọng ông Erdogan sẽ đưa ra các chương trình kinh tế mạnh mẽ hơn và tốt hơn trong nhiệm kỳ tới".

Tuy nhiên, có không ít ý kiến bày tỏ nghi ngại về triển vọng phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Bà Aysel Dinc - Người dân Thổ Nhĩ Kỳ: "Tôi nghĩ mọi thứ sẽ tiếp tục như hiện tại hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn, bởi vì ngoại tệ và giá vàng đang tăng lên. Đó sẽ không phải là vấn đề đối với người giàu, nhưng cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn đối với những người có thu nhập thấp hơn và những người hưu trí".

Hơn hai thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - Ảnh 2.

Tăng trưởng kinh tế và giảm lạm phát cũng là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Erdogan ngay sau khi thắng cử. Ông cam kết chính phủ mới sẽ dồn lực để giải quyết khủng hoảng kinh tế, xây nhà ở cho người thu nhập thấp, ổn định giá cả, nỗ lực đưa đất nước vượt qua khó khăn.

Thách thức với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Thách thức đầu tiên rõ ràng là phải vực dậy cho được tình hình kinh tế của đất nước. Tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 4 vừa rồi được công bố là 44%, nhưng giới quan sát cho rằng nó còn chưa phản ánh được thực tế, nếu tính chính xác có thể tỷ lệ lạm phát phải lên tới 105%.

Tình trạng lạm phát đã kéo dài nhiều năm nay và không dễ giải quyết. Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tình trạng lạm phát phi mã như thời gian qua được cho là bởi thâm hụt cán cân thương mại. Thổ Nhĩ Kỳ một thời từng là trung tâm sản xuất của cả châu Âu, nhưng rồi dần đánh mất vị thế và ngày càng tụt lại phía sau bởi sự cạnh tranh của các trung tâm sản xuất khác đến từ Đông Á hay Đông Nam Á. Thâm hụt cán cân thương mại trong tháng 4 vừa rồi lên tới gần 9 tỷ USD. Nhập khẩu vẫn nhiều, trong khi xuất khẩu thì sụt giảm tới gần 20%.

Tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống mang tính bước ngoặt trong vòng 100 năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan sẽ phải tìm cách đưa đất nước vượt qua những khó khăn, cải thiện cuộc sống người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng như khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2; định hình chính sách đối ngoại của quốc gia thành viên NATO này trong giai đoạn tới... Dù vậy, chặng đường cam go phía trước cũng chính là cơ hội để Tổng thống Tayyip Erdogan thể hiện bản lĩnh, cũng như những kinh nghiệm hội tụ từ hơn hai thập kỷ cầm quyền.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bỏ phiếu bầu Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bỏ phiếu bầu Tổng thống và Quốc hội

VTV.vn - Hôm nay, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội của nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước