Mới đây, Hiệp hội Địa lý Nga đưa tin một hòn đảo băng gần quần đảo Franz Josef Land của Nga ở Bắc Băng Dương, đã biến mất hoàn toàn.
Hiệp hội này đã phát hành một bài báo vào tuần trước, trích dẫn các quan sát được thực hiện bởi các tình nguyện viên trẻ sau khi phân tích hình ảnh vệ tinh của khu vực. Người đứng đầu nhóm, ông Aleksey Kucheyko - nhà nghiên cứu tại Viện Hàng không Moscow - cho biết: "Gần Đảo Eva-Liv ở quần đảo Franz Josef Land ở Bắc Cực, một khối băng trước đây được gọi là đảo Mesyatsev đã biến mất". Ông nói thêm rằng phát hiện này sẽ góp phần vào việc cập nhật bản đồ hàng hải.
Đảo Mesyatsev, thực chất là tảng băng tách ra từ đảo Eva-Liv, nổi trên biển. (Ảnh: Sputnik)
Theo bài báo, hòn đảo đã hình thành ít nhất vào năm 1995, tách khỏi lớp băng trên Đảo Eva-Liv khi nó dần tan chảy. Năm 2010, đảo Mesyatsev có diện tích bề mặt khoảng 1,1 triệu m2 - tương đương khoảng 20 sân bóng bầu dục Mỹ. Hiệp hội Địa lý Nga báo cáo rằng mặc dù tính đến tháng 8/2015, hòn đảo có diện tích khoảng 53 ha (0,2 dặm vuông), nhưng vào đầu năm nay, hòn đảo đã thu hẹp lại chỉ còn 3 ha. Vào tháng 9 năm nay, sau khi so sánh các bức ảnh vệ tinh trong dự án RISKSAT do Viện Hàng không Moscow quản lý, các nhà nghiên cứu cho biết ngay cả phần còn lại nhỏ bé đó cũng đã biến mất.
Nguyên nhân hòn đảo biến mất có thể là nhiệt độ tăng do tình trạng biến đổi khí hậu mà con người gây ra, theo ông Alexey Kucheiko. "Hòn đảo đã hoàn toàn tan chảy", ông nói.
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn tại sao hòn đảo tồn tại lâu hơn dự kiến. Tuy nhiên, một giả thuyết cho rằng lớp bụi phía trên đảo có thể đã bị sóng hoặc nước mưa cuốn đi, giúp nó giảm tốc độ tan chảy. Lớp bụi này từng khiến hòn đảo tối đi vào năm 2021, do đó hấp thụ nhiều bức xạ Mặt trời hơn. Lớp bụi có thể được thổi đến hòn đảo, hoặc thoát ra từ băng tan chảy.
Bài báo lưu ý rằng các cuộc thăm dò bổ sung sẽ phải được thực hiện trong khu vực để xác nhận kết luận.
Đảo Mesyatsev (Ảnh: Lomonosov Moscow State University Marine Research Center)
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng sự nóng lên toàn cầu, dẫn đến mực nước biển dâng cao và đặc biệt đáng chú ý ở Bắc Cực, là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hòn đảo băng này.
Đầu năm nay, Viện Dự báo Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã ban hành một báo cáo, cho rằng GDP của Nga có thể tăng "khoảng 0,6 nghìn tỷ Ruble (6,5 tỷ USD) sau mỗi 10 năm" nếu xu hướng khí hậu hiện tại tiếp tục diễn ra. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính rằng trung bình, nhiệt độ ở Nga tăng 0,5 độ C sau mỗi 10 năm.
Mặc dầu vậy, theo báo cáo, các ngành nông nghiệp và lâm nghiệp nói riêng có thể được hưởng lợi từ nhiệt độ trung bình tăng. Ngoài ra, sự nóng lên toàn cầu có thể thúc đẩy sự phát triển của Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) - tuyến đường thủy vận chuyển chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga, kết nối châu Âu với các cường quốc kinh tế Viễn Đông như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!