Hơn 95,3 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ tiếp tục là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với trên 24,4 triệu ca mắc và hơn 406.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 132.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, trên 10,5 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 152.400 trường hợp thiệt mạng. Ngày 17/1, Ấn Độ báo cáo trên 13.900 người nhiễm bệnh mới. Trong nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, Chính phủ nước này đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc. Khoảng 300.000 nhân viên tuyến đầu đã được tiêm phòng vào ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới này.
Trong 24 giờ qua, Brazil đã xác nhận trên 3.500 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 8,4 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 209.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.
Hệ thống y tế tại Manaos, bang Amazonas, Brazil đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp oxy trầm trọng, khiến bệnh nhân COVID-19 phải luân phiên thở oxy. Nguồn cung cấp oxy đã cạn kiệt tại một số bệnh viện, các khu chăm sóc đặc biệt đã đầy đến mức nhiều bệnh nhân phải được chuyển đến các bang khác. Các bác sĩ cho biết phải chia sẻ oxy giữa các bệnh nhân, luân phiên nhau 10 phút một lần. Tuần trước, lực lượng không quân Brazil đã phải tiếp tế các bình chứa oxy đến bang này.
Hiện Brazil có số người tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. (Ảnh: AP)
Tại châu Âu, Đức cân nhắc sẽ cho người được tiêm vaccine COVID-19 một số "đặc quyền", có thể là được đến nhà hàng, rạp chiếu phim sớm hơn những người khác. Đây là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức. Tuy nhiên, việc trao quyền tự do đặc biệt cho những người đã được tiêm vaccine là một đề tài rất nhạy cảm.
Không chỉ ở Đức, Quốc hội của nhiều quốc gia khác cũng đã có nhiều tranh luận về vấn đề này. Các ý kiến phản đối cho rằng, biện pháp này tạo ra sự phân loại công dân, đi ngược lại quyền tự do. Ý tưởng về một tấm "hộ chiếu xanh vaccine" xuất phát từ tuyên bố của hãng hàng không Qantas Airways của Australia. Hãng này cho biết sẽ chỉ phục vụ hành khách đã tiêm vaccine.
Anh đã thực hiện lệnh phong tỏa mới được gần 2 tuần. Và nhiều khả năng lệnh này sẽ được duy trì tới ít nhất tháng 4/2021. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh đã trả lời báo chí là Chính phủ nước này sẽ không cân nhắc dỡ bỏ phong tỏa cho tới đầu mùa hè, từng bước nới lỏng. Có một vài lý do cho mốc thời gian này như thời tiết ấm áp hơn có thể hạn chế virus phát tán trong không khí. Ngoài ra, trong 2 tháng tới, Anh sẽ hoàn thành việc tiêm chủng cho những đối tượng ưu tiên đầu tiên. Hiện Anh ghi nhận trên 3,39 triệu ca mắc COVID-19, 89.200 trường hợp tử vong.
Một số nước Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm COVID-19. Cụ thể, Indonesia ghi nhận thêm gần 11.300 ca nhiễm mới. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 220 người. Hiện dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ các tỉnh, thành của Indonesia.
Dịch COVID-19 đã lây lan trên toàn Indonesia. (Ảnh: AP)
Theo Bộ y tế Malaysia, ngày 17/1, nước này ghi nhận hơn 3.300 ca nhiễm COVID-19. Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Tình hình tại Thái Lan, Philippines cũng rất căng thẳng với hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày, trong đó đa phần là lây nhiễm trong cộng đồng.
Singapore yêu cầu, từ ngày 25/1, toàn bộ người tới nước này sẽ phải xét nghiệm COVID-19 tại thời điểm nhập cảnh. Riêng người từ Anh và Nam Phi sẽ phải cách ly thêm 7 ngày tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. Hiện nay, Singapore mới chỉ yêu cầu hành khách từ những quốc gia có nguy cơ cao tự xét nghiệm PCR 72 tiếng trước khi nhập cảnh. Tính đến thời điểm này, Singapore có hơn 59.100 ca nhiễm COVID-19 trên tổng số 5,7 triệu dân.
Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc thông báo, ngày 17/1, nước này ghi nhận thêm 109 ca nhiễm mới, trong đó có 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trước tình hình dịch bệnh tái diễn, các tỉnh thành ở Trung Quốc đang đẩy mạnh công tác phòng chống dịch. Lãnh đạo thành phố Bắc Kinh đề nghị, người dân ở những khu vực xung quanh không nên vào thủ đô mà nên làm việc tại nhà. Người dân được yêu cầu tăng cường ý thức phòng chống dịch, không nên rời Bắc Kinh khi không cần thiết, không tụ tập đông người, không đi du lịch nước ngoài hoặc đến những khu vực ở nội địa có nguy cơ cao.
Trung Quốc sẽ tặng 500.000 liều vaccine ngừa COVID-19 cho Philippines. Đây là cam kết của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra nhân chuyến thăm Philippines. Tuyên bố tặng vaccine cho Philipines được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang nỗ lực để đạt được các thỏa thuận cung ứng vaccine ngừa COVID-19 cho 110 triệu dân của nước này. Bên cạnh đó, Philippines đã đồng ý mua 25 triệu liều vaccine Coronavac của công ty Sinovac (Trung Quốc) mặc dù vaccine này chưa được cơ quan quản lý Trung Quốc phê chuẩn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!