Hơn 86,6 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 21,5 triệu ca mắc và hơn 364.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 148.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bang New York của Mỹ đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh. Ngoài ra, hiện đã có thêm Oman, Iran, Brazil ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới này. Trong những tháng gần đây, cả Anh và Nam Phi đều phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, kéo theo số ca nhiễm mới tăng nhanh và lây lan ra nhiều nước trên thế giới.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số người nhiễm bệnh là trên 10,3 triệu ca, bao gồm hơn 150.100 trường hợp tử vong. Ngày 5/1, Ấn Độ báo cáo hơn 17.900 ca mắc COVID-19 mới.
Trong 24 giờ qua, thêm hơn 55.800 người đã nhiễm COVID-19 tại Brazil, nâng tổng số người mắc bệnh lên trên 7,8 triệu trường hợp. Hơn 197.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.
Ngày 5/1, Văn phòng Nội các Anh thông báo, nước này sẽ có các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Trước mắt, Anh sẽ cấm xuất cảnh. Những người nhập cảnh trong thời gian tới sẽ phải xét nghiệm COVID-19 tại chỗ, cách ly nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, cả nước Anh đang trong quá trình phong tỏa cấp 4, cấp cao nhất, nhưng Chính phủ không loại trừ khả năng sẽ ban bố một cấp đặc biệt là cấp 5. Đến nay, Anh đã ghi nhận trên 2,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 76.300 trường hợp đã tử vong. Biến thể mới tại Anh đã chiếm tới 50% các ca nhiễm mới được chẩn đoán ở nước này.
Anh sẽ siết chặt kiểm soát biên giới nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. (Ảnh: AP)
Đức sẽ kéo dài các biện pháp chống dịch COVID-19 đang áp dụng hiện nay cho tới ngày 31/1, đồng thời siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa. Đây là tuyên bố được Thủ tướng Đức đưa ra vào ngày 5/1. Cụ thể, các biện pháp phong tỏa sẽ kéo dài cho tới hết tháng 1, đồng thời hạn chế việc đi ra khỏi nơi ở quá 15km đối với các vùng có chỉ số lây nhiễm vượt quá 200 ca/100.000 dân. Bên cạnh đó, các cuộc gặp gỡ cũng bị giới hạn. Ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm và hàng thiết yếu, tất cả nhà hàng, quán bar, cơ sở giải trí, thể thao... còn lại sẽ tiếp tục đóng cửa tới cuối tháng, nhưng vẫn cho phép các nhà hàng bán đồ ăn mang đi. Các trường học và nhà trẻ tiếp tục đóng cửa tới hết tháng 1.
Nhà chức trách Australia dự kiến sẽ không sớm đưa ra quyết định về loại vaccine COVID-19 nào sẽ được chấp thuận lưu hành tại nước này và đặt mục tiêu chỉ tiêm các mũi đầu tiên vào cuối tháng 3. Thủ tướng Australia Scott Morrison lý giải, điều này là vì Australia không ở trong tình huống khẩn cấp, vì thế không phải chấp nhận những rủi ro không cần thiết từ việc vội vã cấp phép các loại vaccine. Hiện Australia đã loại bỏ phần lớn các ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng vẫn đang chiến đấu để ngăn chặn những cụm dịch nhỏ ở các thành phố như Sydney và Melbourne.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự kiến vào ngày 7/1, Chính phủ Nhật Bản sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Saitama, Chiba và Kanagawa theo Luật đặc biệt phòng chống dịch COVID-19. Ngày 5/1, Nhật Bản ghi nhận thêm hơn 4.100 ca mắc COVID-19. Như vậy, hiện tổng số người mắc bệnh tại nước này là trên 247.900 ca, trong đó có hơn 3.600 trường hợp thiệt mạng.
Giới chức y tế Hàn Quốc xác nhận thêm 2 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới ở quốc gia châu Á này lên 12 ca. Hiện làn sóng lây nhiễm thứ 3 tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu chậm lại và ở mức có thể kiểm soát nhờ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng trước kỳ nghỉ lễ cuối năm. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này vẫn bày tỏ lo ngại khi vẫn xuất hiện các trường hợp lây nhiễm tập thể và biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn.
Hàn Quốc xác nhận thêm 2 trường hợp nhiễm biến thể virus mới. (Ảnh: AP)
Đến sáng 6/1, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng trên 64.900 ca bệnh sau khi phát hiện thêm 715 ca mắc mới trong ngày trước đó. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Hàn Quốc hiện là 1.007 ca. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đang thúc đẩy kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn một nửa dân số Hàn Quốc trước mùa thu năm nay.
Ngày 5/1, Thái Lan ghi nhận thêm 527 ca mắc mới, hầu hết là những người di cư từ Myanmar sinh sống tại tỉnh Samut Sakhon ở miền Trung nước này. Tính tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng trên 8.900 ca mắc COVID-19. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan hiện là 65 ca. Đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất ảnh hưởng tới 56 tỉnh, trong đó 28 tỉnh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất, 5 tỉnh trong nhóm này buộc phải triển khai các biện pháp ngăn chặn bổ sung.
Bộ Y tế Philippines cùng ngày cũng thông báo thêm hơn 900 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên gần 479.700 trường hợp. Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại Philippines dưới mức 1.000 người. Tuy nhiên, Bộ Y tế Philippines cho rằng, số ca mắc mới giảm chủ yếu vì công tác xét nghiệm chậm lại trong kỳ nghỉ lễ cuối năm và không loại trừ khả năng số ca mắc mới tăng trở lại trong những tuần tới. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Philippines hiện là 9.321 người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!