Các nhà hoạt động trẻ em tuần hành chống biến đổi khí hậu tại Westminster, một phần trong phong trào Ngày thứ Sáu vì tương lai toàn cầu. (Ảnh: AP)
Sự lo lắng về tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng và những người trẻ tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì điều này.
Cuộc khảo sát của công ty khởi nghiệp Modern Milkman cho thấy, 71% trẻ em sinh từ năm 2010 đến 2015 ngày càng lo lắng về những thay đổi của môi trường. Hơn 1/4 (27%) trong số 1.000 em được hỏi cho rằng tác động đối với động vật là mối quan tâm cấp bách nhất của họ, trong khi 1/5 (19%) lo ngại về thực trạng ô nhiễm nhựa. Gần 1/5 trẻ em lo lắng nhất về nhiệt độ tăng cao.
Số liệu thống kê đã cho thấy bức tranh thảm khốc về tình hình khủng hoảng khí hậu của Trái đất. Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng các cam kết về khí hậu hiện tại là chưa đủ để ngăn nhiệt độ tăng 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Lũ lụt và cháy rừng gây chết người đang gia tăng, trong khi quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm 70% kể từ năm 1970.
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng tình trạng đau khổ, lo lắng về suy giảm sinh thái này tăng cao ở trẻ em. Và cuộc khảo sát mới đã xác nhận điều này, nhưng nó cũng gợi ra rằng những người trẻ tuổi tin vào sức mạnh của chính họ để tạo nên sự khác biệt.
Đại đa số (85%) nghĩ rằng mọi người dân đều có trách nhiệm giải quyết vấn đề. 9/10 (91%) tin rằng các hành động cá nhân có thể có tác động tích cực. Và trong số đó, 64% tin vào Mô hình tái sử dụng - tái nạp đầy bao bì (Reuse - Refill packaging).
Học sinh tuần hành vì khí hậu ở Sydney, Australia. (Ảnh: Shutterstock)
Cuộc khảo sát mới đã tiết lộ rằng hầu hết những người trẻ tuổi đều lo lắng về ô nhiễm nhựa. Các mảnh vụn nhựa gây hại phải mất hàng triệu năm để phân hủy. Trong số 10 tỷ tấn nhựa được tạo ra kể từ khi phát minh ra nó, một con số khổng lồ 6 tỷ tấn nằm ở các bãi chôn lấp hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Điều này có tác động tàn phá đối với quần thể động vật hoang dã, hơn 90% loài chim biển trên thế giới có nhựa trong ruột.
Trẻ em sẽ kế thừa thế giới mà hoạt động khí hậu ngày nay tạo ra. Vì vậy, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo phải lắng nghe các em. Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến một số phát triển tích cực theo hướng này. Tại Hội nghị COP27, lần đầu tiên trẻ em và thanh niên có gian trưng bày dành riêng cho mình.
Nhiều người trẻ tuổi có niềm đam mê sâu sắc đối với hành tinh này, bằng chứng là phong trào Ngày thứ Sáu vì tương lai của Greta Thunberg đã thu hút hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên tham gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!