Nhân viên y tế làm việc tại địa điểm xét nghiệm COVID-19 ở bãi biển Miami, Mỹ. (Ảnh: AP)
Với hơn 3,7 triệu ca mắc COVID-19 và gần 142.000 người tử vong vì dịch bệnh, Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch. Số ca mắc mới trong 24 giờ qua tại quốc gia này là gần 59.000 người.
Tại Mỹ, bang Florida đã trở thành tâm dịch mới. Trong 24 giờ qua, bang này đã ghi nhận 156 ca tử vong mới, con số cao nhất trong một ngày tại bang này và gần 14.000 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm lên 315.000 người. Tổng số ca tử vong tại bang này là hơn 4.700 trường hợp.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Florida, Mỹ. (Ảnh: AP)
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Brazil đã vượt mốc 2 triệu trường hợp, cao thứ hai thế giới sau Mỹ, trong đó hơn 77.800 người đã tử vong. Số ca mắc mới trong ngày tại Brazil là gần 31.600 bệnh nhân.
Tại tâm dịch lớn thứ ba thế giới Ấn Độ, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã vượt 1 triệu trường hợp, hơn 26.000 người đã không qua khỏi. Đặc biệt, số ca mắc mới trong ngày qua tại Ấn Độ còn cao hơn Brazil với hơn 34.800 bệnh nhân.
Tại châu Âu, Chính phủ Anh thông báo sẽ nới lỏng một phần lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần tại thành phố miền Trung Leicester sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây đã giảm.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: AP)
Giới chức Tây Ban Nha đã ra lệnh tiêu hủy hơn 90.000 con chồn tại một trang trại ở miền Đông Bắc nước này sau khi phát hiện nhiều con nhiễm virus SARS-CoV-2. Trang trại nuôi chồn này đã được theo dõi chặt chẽ kể từ ngày 22/5 vừa qua sau khi có 7 nhân viên dương tính với virus tại đây. Giới chức Tây Ban Nha nghi ngờ rằng, ca nhiễm đầu tiên là một nhân viên trang trại và chính người này đã lây sang động vật.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Hà Lan khi hàng chục nghìn con chồn đã bị tiêu hủy kể từ khi đại dịch bùng phát với khoảng 20 trang trại phát hiện có ca nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, đây có thể là trường hợp đầu tiên virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ động vật sang người.
Tại Trung Đông, Chính phủ Israel đã áp đặt lệnh đóng cửa vào cuối tuần và siết chặt hàng loạt biện pháp hạn chế nhằm giảm số ca lây nhiễm. Trong khi đó, Iraq đã quyết định nới lỏng một phần giờ giới nghiêm và một số biện pháp hạn chế khác. Bên cạnh đó, Iraq cũng quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha vốn dự kiến kết thúc vào đầu tháng 8 theo lịch Hồi giáo.
Hàng khách tại nhà ga Yokohama, Nhật Bản. (Ảnh: AP)
Tại châu Á, ngày 17/7, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận thêm 293 ca nhiễm mới. Đây là ngày có số ca mắc bệnh cao nhất tại Tokyo từ trước tới nay.
Chính phủ Philippines thông báo sẽ tiếp nhận người nước ngoài có thị thực dài hạn nhập cảnh từ tháng 8 tới. Từ ngày 22/3, Philippines đã không tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh, ngoại trừ những quan chức của các chính phủ và tổ chức quốc tế có uy tín cùng người thân. Từ giữa tháng 3, quốc gia này đã áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Còn tại Indonesia, chính quyền thủ đô Jakarta quyết định kéo dài giai đoạn hạn chế xã hội quy mô lớn thêm 14 ngày kể từ 16/7. Bên cạnh đó, chính quyền hủy bỏ kế hoạch dần mở cửa trở lại các rạp chiếu phim và địa điểm vui chơi, giải trí trong nhà khác từ ngày 29/7. Kế hoạch này sẽ được hoãn cho tới khi tình hình được cải thiện.
Người dân Indonesia đeo khẩu trang, mũ chống giọt bắn phòng chống COVID-19. (Ảnh: AP)
Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) thông báo cấm tất cả các chuyến bay có hành khách mắc COVID-19 quá cảnh nước này. Các hãng hàng không chỉ được bán vé cho hành khách đi các chuyến bay quá cảnh Thái Lan khi họ có chứng nhận không mắc COVID-19. Yêu cầu này thậm chí được áp dụng cả với những hành khách không xuống máy bay ở Thái Lan.
Chính quyền lãnh thổ phía Bắc của Australia đã lần đầu tiên cho phép nối lại hoạt động đi lại của người dân khu vực này với các vùng khác trong nước và ngược lại sau khi lệnh cấm được áp đặt từ tháng 3 vừa qua.
Ngày 18/7, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 93 không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến 18h ngày 17/7, nước ta ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc COVID-19, là chuyên gia Liên bang Nga, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Hiện tổng số ca nhiễm ở nước ta là 382 người. Gần 94% số ca mắc đã được điều trị khỏi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!