Biển chỉ dẫn xét nghiệm COVID-19 bên ngoài bệnh viện Baptist tại Miami, bang Florida (Mỹ). Ảnh: Reuters
WHO hôm qua đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao kỷ lục, với tổng cộng hơn 230 ngàn ca trong vòng 24 giờ. Riêng nước Mỹ đã có hơn 3,4 triệu ca mắc, hơn 138 ngàn ca tử vong.
Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất, khi có thêm 28.701 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tại nước này hiện là 23.174 ca trong tổng số 878.254 ca nhiễm. Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh, nhiều địa phương tại Ấn Độ cũng đã siết chặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tương tự Ấn Độ, ngày 13/7, giới chức Philippines thông báo tái áp đặt lệnh phong tỏa một phần vùng thủ đô Manila trong 2 tuần tới. Lệnh này được đưa chỉ 6 tuần sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.
Nhân viên y tế đợi trong buồng xét nghiệm để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 6/7. Nguồn: AP
Thị trưởng thành phố Navotas - một trong 16 thành phố tạo nên vùng thủ đô Manila gồm 12 triệu dân, ông Toby Tiangco cho biết chính quyền không còn lựa chọn nào khác khi phải áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa do có quá nhiều người không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Hiện Philippines là nước có số ca nhiễm cao thứ hai ở Đông Nam Á với hơn 57.000 người, trong đó có 1.599 trường hợp tử vong. Ngày 13/7 được ghi nhận là ngày có số ca tử vong cao nhất, với 162 ca tử vong mới.
Cùng ngày, nhà chức trách Thái Lan cũng đã yêu cầu tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới trên bộ sau khi xuất hiện quan ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai, sau khi lực lượng chức năng bắt giữ hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp vào tháng trước.
Kể từ đầu tháng 6, lực lượng chức năng Thái Lan đã bắt giữ 3.000 lao động nhập cư tìm cách đi vào nước này qua các khu vực biên giới trên bộ. Nhà chức trách Thái Lan cũng nêu quan ngại về các quy định lỏng lẻo yếu đối với những người nước ngoài nhập cảnh bằng đường hàng không, sau khi hai người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có một người vi phạm các quy định cách ly.
Cũng liên quan đến các ca nhiễm nhập cảnh, Trung Quốc đại lục ngày 13/7 đã ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới, tất cả đều là các ca nhập cảnh, trong khi số ca nhiễm nhập cảnh trong ngày tại Hàn Quốc ở mức cao nhất trong 4 tháng.
Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Mexico City, Mexico. Ảnh: THX/TTXVN
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 13/7 cho biết có thêm 62 ca nhiễm mới (trong đó 19 ca lây nhiễm trong nước), nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 13.479 ca. Bắt đầu từ ngày 13/7, những người nhập cảnh Hàn Quốc từ 4 quốc gia được xem là có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm Bangladesh, Pakistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan, phải trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Các ca nhập cảnh, từng là nguồn lây chính ở Hàn Quốc, đã giảm xuống mức một con số vào tháng 6 vừa qua khi Hàn Quốc tăng cường kiểm dịch tại các sân bay.
Theo số liệu của trang thống kê worldometers.info, Mỹ hiện vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, với 3.416.082 ca nhiễm, hơn 138 ngàn ca tử vong. Số ca ở Mỹ đã tăng đột biến trong những tuần gần đây, tuy nhiên, bất chấp tình hình dịch diễn biến phức tạp, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn hối thúc các trường mở lại vào mùa Thu tới.
Dịch diễn biến phức tạp ở Mỹ buộc thống đốc một số bang phải tạm hoãn các kế hoạch mở cửa trở lại, thậm chí một số bang còn ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Liên quan vấn đề này, những ngày qua đã chứng kiến một sự thay đổi của giới chức Nhà Trắng.
Florida hiện nằm trong số những điểm nóng nhất về COVID-19 ở Mỹ. Ảnh: Reuters
Ngày 12/7, Tổng thống Trump đã gây ngạc nhiên khi lần đầu tiên đeo khẩu trang xuất hiện trước công chúng trong chuyến thăm bệnh viện quân y Walter Reed ở ngoại ô thủ đô Washington để gặp gỡ các cựu chiến binh đang điều trị tại đây. Phát biểu khi rời Nhà Trắng, ông Trump cho rằng đeo khẩu trang là việc làm tốt và phù hợp. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh nhấn mạnh tầm quan trọng của khẩu trang, khẳng định nếu 90% người dân Mỹ không đeo khẩu trang nơi công cộng ở những điểm nóng của dịch COVID-19, nước này sẽ không thể kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Brazil tiếp tục là nước có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai thế giới với 1.866.173 ca nhiễm và 72.151 ca tử vong. Tuy nhiên, đáng chú ý trong ngày 13/7, Mexico đã vượt Italy trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 4 thế giới sau khi Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 276 ca tử vong, nâng tổng số lên 35.006 ca. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) bày tỏ quan ngại về diễn biến dịch bệnh tại Mexico. Kể từ khi bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 1/6 vừa qua, số ca mới và tử vong đã tăng gấp 3 lần.
Trong bối cảnh dịch diễn biến ngày càng nghiêm trọng, Giám đốc Học viện y khoa thuộc Đại học Hong Kong Lương Trác Vỹ cho biết, hiện nay virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện biến chủng, khả năng lây nhiễm tăng 31% so với trước đây. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy tốc độ lây nhiễm tức thời của các ca mắc COVID-19 tại Hong Kong đã vượt quá mức 3 và gần 4, nghĩa là mỗi ca nhiễm có thể lây cho 3 đến 4 người. Theo ông Lương Trác Vỹ, thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên, có tỷ lệ lây nhiễm tức thời từ 2,5 đến 3 vào thời điểm trước khi thành phố này phong tỏa hoàn toàn hồi cuối tháng 1/2020.
Hôm nay đã bước sang ngày thứ 89, Việt Nam không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến lúc này, tổng số ca nhiễm ở Việt Nam hiện là 372 người, 94% số ca mắc đã được điều trị khỏi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!