Hơn 124,7 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, Singapore-Malaysia hướng tới công nhận chứng chỉ vaccine

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 24/03/2021 06:20 GMT+7

Hơn 124,7 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 24/3, thế giới có trên 124,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,7 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 30,6 triệu ca mắc và hơn 556.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 42.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 12,1 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 298.600 trường hợp tử vong. Ngày 23/3, Brazil báo cáo 78.400 người nhiễm mới.

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng "một cách nguy hiểm" tại khắp Brazil. Giám đốc PAHO Carissa Etienne đồng thời hối thúc, người dân quốc gia Nam Mỹ này tuân thủ các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Bà cho biết thêm, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Brazil còn ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Theo quan chức này, số ca mắc mới đang gia tăng tại bang Bolivar và Amazonas của Venezuela, giáp ranh với Brazil, và tại khu vực biên giới giữa Peru và Bolivia.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận hơn 47.200 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên trên 11,7 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 160.400 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong tại quốc gia này.

Hơn 124,7 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, Singapore-Malaysia hướng tới công nhận chứng chỉ vaccine - Ảnh 1.

Chiến dịch tiêm chủng cho người trên 45 tuổi ở Ấn Độ sẽ bắt đầu từ ngày 1/4 tới. (Ảnh: AP)

Ấn Độ sẽ mở rộng đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người trên 45 tuổi. Chiến dịch tiêm chủng cho những người thuộc diện này sẽ bắt đầu từ ngày 1/4 tới. Theo Bộ Thông tin Ấn Độ, hiện nước này không thiếu vaccine. Là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã viện trợ hoặc xuất khẩu hơn 60 triệu liều nhưng mới chỉ sử dụng 49 triệu liều cho người dân trong nước. Việc mở rộng đối tượng được tiêm vaccine diễn ra trong bối cảnh nguy cơ một làn sóng lây nhiễm mới có thể sớm xảy ra.

Tại Anh, những người cố tình ra nước ngoài mà không có lý do chính đáng trước cuối tháng 6 tới sẽ phải chịu mức phạt 5.000 Bảng. Theo Bộ Y tế Anh, kế hoạch ban đầu của Chính phủ là xem xét việc đi lại quốc tế vào tháng 4 và có thể cho phép thực hiện từ ngày 17/5. Tuy nhiên, mức phạt được đưa ra đề phòng trường hợp mốc thời gian này không khả thi. Trong những ngày gần đây, trước tình hình số ca nhiễm mới gia tăng ở châu Â, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra cảnh báo về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3. Hiện trên 4,3 triệu người đã mắc COVID-19 tại Anh, trong đó trên 126.000 trường hợp đã thiệt mạng.

Ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Ukraine Maksym Stepanov thông báo, nước này đã ghi nhận thêm 333 ca tử vong do mắc bệnh COVID-19. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay, cao hơn 44 trường hợp so với mức cao kỷ lục ghi nhận vào ngày 17/3. Cũng trong 24 giờ qua, Ukraine có thêm 11.476 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Như vậy, tính tới nay, tổng cộng đã có trên 1,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 30.400 người không qua khỏi ở nước này.

Trong những tuần gần đây, quốc gia Đông Âu với 41 triệu dân này đã chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal coi đây là làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 tại nước này.

Hơn 124,7 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, Singapore-Malaysia hướng tới công nhận chứng chỉ vaccine - Ảnh 2.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. (Ảnh: AP)

Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiêm mũi đầu tiên của vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ông Moon Jae-in, 68 tuổi, tiêm chủng COVID-19 để chuẩn bị cho chuyến công du tới Anh tham dự Hội nghị G7 vào tháng 6 tới.

Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm chủng vaccine của AstraZeneca cho người từ 65 tuổi trở lên sau khi tạm hoãn chờ kết luận của các chuyên gia về tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này. Giới chức y tế Hàn Quốc trước đó đã khẳng định, họ không phát hiện bằng chứng nào chứng tỏ mối liên hệ giữa vaccine của AstraZeneca và các trường hợp xuất hiện cục đông máu như báo cáo tại một số nước châu Âu.

Singapore Malaysia cam kết cùng nhau hợp tác để hướng tới việc công nhận chứng chỉ vaccine ngừa COVID-19 của nhau. Cam kết trên được đưa ra trong tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước nhân chuyến thăm Malaysia của Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan diễn ra cùng ngày. Việc công nhận chứng chỉ vaccine ngừa COVID-19 của nhau sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới giữa hai nước trong thời gian tới.

Ngoài ra, hai bên cũng cam kết tiếp tục triển khai các chương trình tiêm chủng cho công dân của nhau như người Malaysia cư trú dài hạn tại Singapore và người Singapore cư trú dài hạn tại Malaysia.

Các nước châu Âu gia hạn phòng dịch COVID-19 Các nước châu Âu gia hạn phòng dịch COVID-19 Thế giới ghi nhận 124 triệu ca nhiễm COVID-19 Thế giới ghi nhận 124 triệu ca nhiễm COVID-19 Hơn 123,8 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, Indonesia dẫn đầu chiến dịch tiêm vaccine ở ĐNÁ Hơn 123,8 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, Indonesia dẫn đầu chiến dịch tiêm vaccine ở ĐNÁ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước