Hơn 100,6 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 25,9 triệu ca mắc và hơn 433.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 90.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng hơn 10,6 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm trên 153.700 trường hợp tử vong. Ngày 26/1, Ấn Độ báo cáo hơn 11.500 người nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận gần 8.900 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 8,8 triệu trường hợp. Đến nay, trên 217.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.
Châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 32,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 705.300 ca tử vong. Những biện pháp phong tỏa, ngăn chặn dịch nghiêm ngặt cùng chương trình tiêm vaccine COVID-19 diện rộng vẫn tiếp tục được các nước châu Âu triển khai. Tuy nhiên, hiệu quả có lẽ vẫn cần chờ thêm thời gian.
Châu Âu đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới. (Ảnh: AP)
Tại châu Âu, Anh và Tây Ban Nha vẫn là hai nước có số ca nhiễm mới COVID-19 ở mức rất cao mỗi ngày. Ngày 26/1, Anh đã ghi nhận trên 20.000 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên hơn 3,6 triệu trường hợp. Hiện trên 100.100 người đã thiệt mạng vì bệnh dịch tại Anh
Trong khi đó, trong 24 giờ qua, ở Tây Ban Nha, thêm hơn 36.400 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Như vậy, tổng cộng đã có trên 2,7 triệu dân Tây Ban Nha mắc COVID-19, trong đó gần 56.800 trường hợp đã tử vong.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất, tiếp theo đó là Philippines và Malaysia. Ngày 26/1, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã vượt mốc 1 triệu ca. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này đã có thêm hơn 13.000 ca mắc mới. Bộ Y tế Indonesia cho biết, nước này đã có hơn 28.400 người tử vong vì đại dịch, trong đó có 600 nhân viên y tế.
Hiện các bệnh viện được chỉ định điều trị COVID-19 tại Indonesia đã đạt 80% công suất. Ngoài bệnh viện, khu chôn cất nạn nhân COVID-19 cũng dẫn kín chỗ. Chính phủ Indonesia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc từ đầu tháng 1/2021 với hy vọng sớm giảm tải áp lực cho các bệnh viện khắp cả nước.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã vượt mốc 1 triệu ca. (Ảnh: AP)
Ngày 26/1, Chính phủ Philippines đã xác nhận 12 ca lây nhiễm chủng virus ở Anh trong cộng đồng ở tỉnh Bontoc. Trường hợp đầu tiên là một người trở về từ Các Tiểu vương quốc Arap Thống nhất. Với trên 516.000 ca nhiễm, hơn 10.300 trường hợp tử vong, Philippines cũng là một trong những nước châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch.
Các cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ thực hiện những xét nghiệm PCR ngẫu nhiên trên quy mô lớn, sớm nhất vào tháng 3 tới. Chính quyền Nhật Bản đặt mục tiêu mỗi ngày thực hiện vài nghìn xét nghiệm PCR ngẫu nhiên ở thủ đô Tokyo và thành phố Osaka cùng các khu vực đô thị khác đang có số ca nhiễm cao. Từ đó, cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ xác định đúng mức độ lây lan của virus tại khu vực đó. Chi phí tiến hành xét nghiệm PCR sẽ được Chính phủ nước này đài thọ toàn bộ. Công tác xét nghiệm dự kiến sẽ được triển khai tại các sân bay cũng như những địa điểm có xu hướng tụ tập đông người như trung tâm thành phố, công sở và trường đại học.
Ngày 26/1, Nhật Bản xác nhận trên 3.300 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 368.100 trường hợp, bao gồm khoảng 5.100 trường hợp thiệt mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!