Một nhân viên y tế nhỏ vaccine bại liệt cho một em bé trong chiến dịch tiêm chủng ở Karachi, ngày 3/6/2024. (Ảnh: AFP)
Hơn 1 triệu trẻ em tại Pakistan đã không được tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt trong tháng 9/2024 - khi số ca mắc căn bệnh này gia tăng đáng kể - theo giới chức y tế nước này. Tính từ đầu năm 2023 đến năm 2024, Pakistan đã ghi nhận 39 ca nhiễm bại liệt, so với 6 ca vào năm 2023, khi quốc gia Nam Á này gần như đã kiểm soát được dịch bệnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tỉ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng. Bệnh bại liệt, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, tấn công hệ thần kinh và có thể dẫn đến liệt hoặc tử vong. Mặc dù chưa có thuốc chữa, bệnh có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng vaccine.
Một nhân viên y tế nhỏ vaccine bại liệt cho một đứa trẻ ở khu vực trung tâm thành phố Lahore, Pakistan, ngày 9/9/2024. (Ảnh: AP)
Pakistan và Afghanistan hiện là hai quốc gia duy nhất trên thế giới mà bệnh bại liệt vẫn còn phổ biến, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại Pakistan, các chương trình tiêm vaccine gặp khó khăn do sự thiếu tin tưởng vào các nhà cung cấp dịch vụ y tế nước ngoài và các thông tin sai lệch về tiêm chủng. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các trung tâm tiêm chủng và nhân viên y tế cũng gia tăng trong thời gian gần đây.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, chính quyền Pakistan vẫn lạc quan về khả năng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Quốc gia này dự kiến sẽ khởi động một chiến dịch tiêm chủng toàn quốc vào ngày 28/10, với mục tiêu tiêm vaccine cho 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!