Những người di cư Haiti đang chờ đăng ký tên vào danh sách xin tị nạn tại Mỹ (Ảnh: AP)
Ngày 14/1/2025, Liên hợp quốc công bố số liệu cho thấy hơn 1,04 triệu người tại Haiti đã phải di dời do bạo lực băng đảng, gấp 3 lần so với con số 315.000 người vào tháng 12/2023. Đây là mức độ di dời cao nhất từng được ghi nhận do bạo lực tại quốc gia này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), bà Amy Pope, nhấn mạnh: "Haiti cần sự hỗ trợ nhân đạo bền vững ngay lúc này để cứu sống và bảo vệ con người".
Bạo lực của các băng nhóm vũ trang đã khiến thủ đô Port-au-Prince gần như hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các phần tử băng đảng, cùng với nhiều khu vực khác trên toàn quốc. Dù một sứ mệnh quốc tế được Liên hợp quốc hậu thuẫn đã được triển khai vào năm ngoái nhằm khôi phục trật tự tại đây nhưng lực lượng tham gia vẫn còn rất hạn chế. Gần đây, hai nhóm binh sĩ Guatemala đã đến Haiti để tăng cường lực lượng cho sứ mệnh này.
Một cảnh sát Kenya thuộc lực lượng đa quốc gia được Liên hợp quốc hậu thuẫn, tuần tra trên một con phố ở Port-au-Prince, Haiti, ngày 5/12/2024. (Ảnh: AP)
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, người phát ngôn của IOM, ông Kennedy Okoth Omondi, cho biết tình trạng thiếu không gian tại các nơi trú ẩn đang trở nên trầm trọng. Nhiều người không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản như lương thực và nước sạch. Ông cũng lưu ý rằng việc trục xuất người di cư từ Cộng hòa Dominica và các quốc gia khác về Haiti càng làm gia tăng áp lực lên các cộng đồng vốn đã kiệt quệ.
"Việc liên tục trục xuất người dân trở về Haiti, nơi các cộng đồng đang phải vật lộn để tồn tại, đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn" - ông Omondi nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, các tổ chức quốc tế kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế để giúp Haiti đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo và tìm giải pháp lâu dài cho bạo lực và bất ổn đang diễn ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!