Hồi sinh hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam: Dòng chảy thương mại mới tại Trung Đông

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 03/09/2023 10:53 GMT+7

VTV.vn - Sự hồi sinh của hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam đánh dấu vị thế của Trung Đông tăng lên rất nhiều trong dòng chảy thương mại khu vực Á - Âu.

Chủ nhật tuần trước (27/8), chuyến tàu chở hàng gồm 36 container đi từ Chelyabinsk, Nga đã tới thành phố cảng Bandar Abbas của Iran và hướng tới đích cuối là Jeddah, thành phố cảng lớn nhất của Saudi Arabia bên bờ biển Đỏ. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam, đánh dấu sự xuất hiện của chuỗi cung ứng khu vực mới, kết nối Nga trực tiếp với Vùng Vịnh và Ấn Độ Dương.

Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam là một dự án có từ hơn 20 năm trước, do Nga, Iran và Ấn Độ khởi xướng. Sự hồi sinh của tuyến vận tải này đánh dấu vị thế của Trung Đông tăng lên rất nhiều trong dòng chảy thương mại khu vực Á - Âu.

Hợp tác giữa Nga và các nước ở Trung Đông đang rất sôi động, đem lại "trái ngọt" cho cả hai bên, đặc biệt là với Nga, khi đang hứng chịu các đòn cấm vận của phương Tây.

Hồi sinh tuyến vận tải kết nối hai châu lục

Chuyến tàu rời ga hàng hóa Chelyabinsk của Nga và quá cảnh qua Kazakhstan, Turkmenistan và Iran. Đây là lần đầu tiên một đoàn tàu từ Nga có chuyến hành trình xa về phía Nam, sử dụng hành lang vận tải Bắc - Nam, đánh dấu sự xuất hiện của tuyến thương mại mới kết nối trực tiếp Nga với Trung Đông.

Được thành lập vào năm 2000 bởi Iran, Nga và Ấn Độ, tuyến hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam dài 7.200 km này hoạt động như một mạng lưới đa phương thức gồm các tuyến đường thủy, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Nga, Iran, Ấn Độ với các quốc gia ở biển Caspian và Vùng Vịnh Ba Tư. Nhưng dự án đã bị đình trệ nhiều năm vì khó khăn tài chính cũng như chính trị. Phải đến tháng 5 vừa qua, Iran và Nga mới đạt thỏa thuận cuối cùng.

Hồi sinh hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam: Dòng chảy thương mại mới tại Trung Đông - Ảnh 2.

Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC) giúp rút ngắn đáng kể thời gian, chi phí vận tải hàng hóa từ Ấn Độ sang châu Âu (Nguồn: TTXVN)

Nga đặt tham vọng tuyến hành lang vận tải Bắc Nam có thể trở thành giải pháp thay thế cho kênh đào Suez - tuyến đường thủy dài 193 km ở Ai Cập nối Địa Trung Hải với biển Đỏ, với khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua mỗi ngày.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế sẽ giúp đa dạng hóa đáng kể lưu lượng giao thương toàn cầu. Giao thông dọc theo hành lang mới sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể. Đặc biệt, sẽ mất khoảng 10 ngày để vận chuyển hàng hóa từ St. Petersburg đến Mumbai".

Hồi sinh hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam: Dòng chảy thương mại mới tại Trung Đông - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

"Khối lượng luồng hàng hóa sẽ tăng đáng kể, tiềm năng vận chuyển của hai nước sẽ được tăng cường. Hàng hóa của Nga và Iran sẽ có khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài dễ dàng và đa dạng hơn về mặt địa lý" - Tổng thống Nga nói thêm.

Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng trước cho biết, Nga đang tìm cách đảm bảo tính kết nối xuyên suốt của tuyến hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam. Theo Bộ Giao thông Vận tải Nga, tổng lưu lượng hàng hóa dọc theo hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế là 14,5 triệu tấn vào năm 2022 và dự báo cho năm nay là 17,6 triệu tấn. Họ đặt mục tiêu, lưu lượng hàng hóa sẽ tăng gần gấp ba, đạt 50 triệu tấn trong 7 năm tới trên tuyến vận tải này.

Hành lang giao thông quốc tế Bắc - Nam có ý nghĩa chiến lược đối với nước Nga, hứa hẹn là nhân tố chính thay đổi cuộc chơi thương mại toàn cầu. Dự án này từng được được nhắc đến cách đây hơn 20 năm và hiện đang được Nga cùng các đối tác đẩy nhanh hơn bao giờ hết sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, khi chuỗi hậu cần xuất nhập khẩu chuyển hướng sang các quốc gia châu Á và Trung Đông.

Theo ước tính của Ngân hàng phát triển Á - Âu (EDB), để hoàn thiện cơ sở hạ tầng của hành lang giao thông quốc tế Bắc - Nam đến năm 2030 cần thực hiện đến 100 dự án với tổng đầu tư hơn 38 tỷ USD, mà lớn nhất là tại Nga với 13,2 tỷ USD.

Tại Diễn đàn Nga và thế giới Hồi giáo ở Kazan vào tháng 5 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Andrey Belousov khẳng định, hành lang giao thông quốc tế Bắc - Nam là dự án cơ sở hạ tầng địa chính trị và địa kinh tế lớn nhất trong thập kỷ hiện nay, bởi nó được xem là một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành một thế giới đa cực, một sự chuyển dịch sâu sắc các hoạt động kinh tế về phía Đông và Nam.

Sôi động dòng chảy thương mại Nga - Trung Đông

Sự sôi động đáng chú ý hơn cả phải kể đến tại các quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ. Như với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, theo số liệu chính thức được phía Nga công bố, thương mại giữa Nga và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất năm 2022 đã tăng hơn 60% so với 1 năm trước đó, tăng hơn 60% kể từ đúng thời điểm xung đột Nga - Ukraina, với các lệnh cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga. Trong đó, nổi bật có thể kể đến là xuất khẩu linh kiện điện tử từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào Nga tăng 7 lần, vi mạch tăng 15 lần.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất không phải là một nền kinh tế sản xuất, vậy nên các mặt hàng này thực chất đều là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất nhập khẩu về rồi tái xuất sang Nga.

Ở chiều ngược lại cũng đáng chú ý không kém. Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Nga sang Trung Đông như thực phẩm nông sản, theo công ty chuyên thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến thị trường dầu mỏ và vận tải biển KPLER, năm ngoái, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã nhập khẩu từ Nga tới 60 triệu thùng dầu.

Một trong những quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đứng thứ 4 trong OPEC vậy mà lại nhập tới 60 triệu thùng dầu từ Nga? Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất không xác nhận con số này. Tuy nhiên, nếu họ nhập một lượng dầu lớn đến vậy từ Nga thì không phải quá khó hiểu.

Dầu Nga bán ra thị trường đang hạ giá sâu, thường là thấp hơn khoảng 30% so với giá dầu tham chiếu Brent. Các nước Vùng Vịnh hoàn toàn có thể nhập dầu Nga về lọc để phục vụ cho nhu cầu nội địa. Còn dầu thô của họ thì dành cho xuất khẩu. Nếu dầu thô họ nhập về từ Nga rồi lọc, sau đó đem xuất khẩu thì cũng không vướng gì các lệnh cấm vận của phương Tây.

Dầu Nga chảy sang Trung Đông

Khi dầu Nga bị các nước phương Tây áp cấm vận và trần giá, Nga đã đẩy mạnh bán dầu cho khách hàng ở châu Á. Ngoài khách hàng quen thuộc là Trung Quốc và Ấn Độ, còn có đối tượng khách hàng ít ai ngờ tới, đó là những nước sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa khổng lồ ở Vùng Vịnh.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích thị trường Kpler, năm ngoái, xuất khẩu dầu Nga sang Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng gấp hơn 3 lần, đạt kỷ lục 60 triệu thùng. Dầu Nga hiện chiếm khoảng 1/10 số thùng dầu được trữ ở Fujairah, cơ sở trữ dầu lớn nhất của UAE.

Hiện nay, Nga đang xuất khẩu 100.000 thùng dầu mỗi ngày sang Saudi Arabia, từ chỗ gần như không có gì trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Tốc độ xuất khẩu tương đương 36 triệu thùng/năm. Không có dấu hiệu nào cho thấy các nước Vùng Vịnh sẽ dừng nhập dầu Nga.

Ông Suhail al-Mazrouei - Bộ trưởng Bộ năng lượng Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất - cho rằng: "Nga là một thành viên quan trọng. Và bỏ vấn đề chính trị sang một bên, khối lượng như tôi đã đề cập là cần thiết, trừ khi ai đó sẵn sàng đến và mang theo 10 triệu thùng, về cơ bản, chúng tôi không thấy rằng ai đó có thể thay thế Nga".

Hồi sinh hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam: Dòng chảy thương mại mới tại Trung Đông - Ảnh 4.

Ông Suhail al-Mazrouei - Bộ trưởng Bộ năng lượng Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (Ảnh: AP)

Chưa rõ bắt đầu từ khi nào UAE bắt đầu nhập khẩu dầu của Nga, tuy nhiên, theo dữ liệu của các bên vận chuyển, khối lượng dầu mà UAE mua từ Nga bắt đầu tăng từ sau tháng 2/2022.

Theo tờ Wall Street Journal, giá dầu Urals của Nga thấp hơn khoảng trên 30% so với giá dầu Brent. Các loại dầu naphtha và diesel của Nga có giá bán thấp hơn tương ứng 60 USD/tấn và 25 USD/tấn so với các sản phẩm tương tự sản xuất ở vùng Vịnh. Do đó, các nước Vùng Vịnh mua dầu Nga giá rẻ về để dùng trong nước, rồi dùng chính dầu của mình sản xuất ra để xuất khẩu ở giá thị trường. Nhờ vậy, lợi nhuận trên mỗi thùng dầu xuất khẩu càng lớn hơn.

Ông Viktor Katona - Chuyên gia phân tích thị trường tại Kpler, Pháp - cho rằng: "Thị trường xăng dầu của Saudi Arabia đã được đáp ứng bởi nhiên liệu từ Nga, từ đó giải phóng thêm lượng dầu diesel mà Saudi Arabia có thể xuất khẩu".

Các nước Vùng Vịnh, đặc biệt là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, đã trở thành những điểm trung chuyển và giao dịch chủ chốt cho các sản phẩm năng lượng Nga vốn không dễ dàng được vận chuyển trên toàn cầu ở thời điểm này do là đối tượng của các biện pháp trừng phạt.

Phương Tây khó gây sức ép với Trung Đông

Theo giới chuyên gia, thực tế là các quốc qia Trung Đông đang trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Nga trong chính sách xoay trục về phía Đông.

Với người Nga, Trung Đông không chỉ có người Arab và các chế độ quân chủ giàu có nhất ở Vịnh Ba Tư. Quan hệ của Nga với Iran mang tính chất chiến lược, với Thổ Nhĩ Kỳ có sự phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, với Israel thì duy trì quan hệ trung lập và cùng nhau lách luật trừng phạt.

Trong năm qua, Nga đã tăng 2/3 xuất khẩu nông sản sang Trung Đông. Chỉ tính riêng kim ngạch thương mại giữa Nga và UAE vào năm 2022 đã tăng 68% và đạt 9 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Kim ngạch thương mại của Nga với các nước Trung Đông và Bắc Phi đã tăng 83% trong 5 năm qua và đạt mức 95 tỷ USD trong năm 2022. Với giới kinh doanh Nga, con đường đến với Trung Đông nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung, đã trở thành hướng đi chiến lược, để vượt qua làn sóng trừng phạt của phương Tây.

Thực tế, không phải các nước Vùng Vịnh không chịu sức ép khi làm ăn với Nga. Chẳng hạn như hồi tháng 3 năm nay, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã phải dừng cấp giấy phép hoạt động cho một ngân hàng Nga tại Abu Dhabi. Hay Trưởng văn phòng điều phối các lệnh cấm vận của Mỹ James O'Brien cũng như đặc phái viên EU David O'sullivan cũng từng có lần gửi thông điệp tới các nước Vùng Vịnh rằng, việc tái xuất một số thiết bị điện tử sang Nga là điều phương Tây không mong muốn, cho rằng một số thiết bị điện tử có thể được Moscow dùng phục vụ cho mục đích trên chiến trường.

Mặc dù vậy, các lệnh cấm vận của phương Tây khó mà có thể gây sức ép được gì nhiều hơn. Các lệnh cấm vận thứ cấp của phương Tây trước đến nay chủ yếu phát huy được trong ngành ngân hàng, ngăn chặn các giao dịch quốc tế của Nga. Tuy nhiên, khi mà tại Vùng Vịnh đang có một mạng lưới dày đặc các công ty Nga đóng văn phòng tại đây, việc thanh toán không phải là điều gì quá phức tạp. Còn với các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của Nga, nếu các nước Vùng Vịnh nhập dầu Nga về để dùng trong nước, rồi lấy dầu mình đem xuất khẩu hoặc nhập khẩu dầu thô của Nga rồi lọc, bán cho các nước phương Tây thì các lệnh cấm vận của phương Tây cũng khó mà làm được gì.

Bùng nổ thương mại đã làm giàu cho các nước Vùng Vịnh. Hàng tỷ USD từ lợi nhuận giao dịch hàng hóa thông qua hệ thống ngân hàng chỉ là một phần nhỏ. Còn những dòng tiền khác từ Nga. Những dòng đầu tư từ Nga có thể nhìn thấy rõ nhất trên thị trường bất động sản tại Vùng Vịnh. Các nhà đầu tư Nga nay được mô tả như một trong những động lực hàng đầu tạo nên một làn sóng sôi động trên thị trường bất động sản tại Vùng Vịnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước