Trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng G20, báo giới đã nhận định rằng, nếu Ấn Độ cân bằng được bất đồng rất lớn hiện nay giữa một bên là Mỹ và các nước phương Tây và một bên là Nga, Trung Quốc với việc ra được Thông cáo chung của hội nghị thì thậm chí Ấn Độ có thể có cơ hội có được ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Đối với Ấn Độ, thách thức lớn nhất khi chủ trì Hội nghị G20 năm nay là những bất đồng rất sâu sắc giữa Mỹ và các nước phương Tây với Nga, Trung Quốc.
Hiện tại, Mỹ và các nước phương Tây mâu thuẫn gay gắt với Nga trong vấn đề xung đột quân sự Nga - Ucraina. Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine.
Quan hệ Trung Quốc với Mỹ đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Ngoại trưởng Mỹ vừa hủy chuyến thăm Bắc Kinh sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc trên bầu trời Mỹ. Mỹ cáo buộc Trung Quốc thu thập thông tin tình báo bằng khinh khí cầu và cảnh báo khả năng Trung Quốc cấp vũ khí cho Nga trong cuộc xung đột quân sự với Ukraine. Phía Trung Quốc đã bác bỏ tất cả các cáo buộc này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Ấn Độ dự Hội nghị Ngoại trưởng G20
Trước khi Hội nghị Ngoại trưởng G20 diễn ra, Ấn Độ cũng đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Bengaluru (bang Karnataka, Ấn Độ) mà không ra được Thông cáo chung. Nga đã phản đối mạnh mẽ việc các nước phương Tây lợi dụng G20 để chống lại Nga. Thông cáo báo chí của phái đoàn Nga viết: "Chúng tôi rất làm tiếc vì các hoạt động của G20 đang bị các nước phương Tây làm cho bất ổn và bị họ sử dụng theo hướng chống lại nước Nga".
Chỉ nhìn vào hội nghị Bengaluru cũng thấy vai trò của Ấn Độ trong việc chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng G20 khó khăn như "đi trên dây" - Làm sao để bước đi thăng bằng được trên sợi dây ngoại giao này?
Bên cạnh những mâu thuẫn của các nước lớn với nhau, Ấn Độ lại cũng có những quan ngại hàng đầu riêng với Trung Quốc. Đó là vấn đề Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở biên giới hai nước và vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ dự tính đưa những mối quan ngại này ra cuộc họp của ngoại trưởng 4 nước, gồm Ấn Độ, Australia, Nhật và Mỹ - một sự kiện bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20. Diễn biến này chắc chắn sẽ làm Trung Quốc khó chịu.
Hiện nay, Ấn Độ kiên quyết cho rằng nếu ổn định ở khu vực Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) không được khôi phục thì quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc khó có thể bình thường hóa. Trong lúc này, có tin rằng, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương sắp thăm Ấn Độ. Thái độ của Trung Quốc với Ấn Độ lúc này như thế nào được xem là một thông điệp rõ ràng về tương lai quan hệ hai nước.
Chính vì những mâu thuẫn rất căng thẳng này, các nhà phân tích đã nhận định rằng, nếu Ấn Độ cân bằng được các bên và ra được Thông cáo chung chứ không phải chỉ là bản tóm tắt diễn biến của Chủ tọa hội nghị như Ấn Độ đã làm tại hội nghị Bengaluru thì Ấn Độ sẽ nổi lên như một cường quốc có ảnh hưởng quan trọng trong việc xác lập trật tự thế giới mới. Thậm chí, kết quả đó còn có thể giúp Ấn Độ có được ghế thường trực trong Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc trong tương lai.
Tuy nhiên, thực tế là Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm nay đã kết thúc mà không ra được Tuyên bố chung.
"Đã có bất đồng và chia rẽ liên quan xung đột Ukraine. Chúng tôi không thể hòa giải giữa các bên" - Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thừa nhận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!