Hoạt động xả thải của Nhật Bản có thể kéo dài trong 30 năm

Thái Bình (Phóng viên THVN tại Trung Quốc)-Chủ nhật, ngày 09/07/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Vấn đề xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang nhận được sự quan tâm của dư luận tại Nhật Bản cũng như quốc tế.

Với kết luận từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đánh giá, nước thải từ nhà máy này đạt chuẩn, kế hoạch xả nước thải có thể sẽ được thực hiện trong mùa thu tới.

Nhật Bản đã có các điều kiện cần thiết để xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ra biển sau khi có sự đồng ý của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản (NRA).

Thông tin trên báo Nikkei cho biết, ngày 4/7 báo cáo của IAEA đánh giá, nước tích trữ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Sau đó, ngày 7/7, Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản cũng cấp chứng chỉ cho hệ thống xả thải của nhà máy. Theo dự kiến, hoạt động xả thải sẽ bắt đầu từ tháng 8, có thể kéo dài trong khoảng 30 năm, một đơn vị của IAEA sẽ được thành lập tại nhà máy để giám sát hoạt động xả thải.

Đánh giá độ an toàn, báo Yomiuri cho biết, nước thải được xử lý bằng hệ thống đa hạt nhân (ALPS) để loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ ngoại trừ tritium. Công ty điện lực TEPCO, công ty chủ quản của nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho biết, đã xử lý pha loãng 100 lần với nước biển, giảm nồng độ phóng xạ của tritium xuống dưới mức 1/40 so với tiêu chuẩn quốc gia của Nhật Bản là 1.500 Becoren/1 lít nước và cũng ít hơn nhiều so với tiêu chuẩn tritium trong nước uống của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10.000 Becoren/1 lít nước).

Báo Mainichi có thông tin cho biết, các nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới cũng thải tritium ra biển và sông, báo này đưa ra ví dụ những lò phản ứng nước nặng cũng như các cơ sở tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở Canada và Trung Quốc cũng thải ra một lượng lớn tritium hàng năm. Tuy nhiên điểm khác vẫn là nước thải tại Fukushima là nước đã tiếp xúc trực tiếp với các thanh nhiên liệu hạt nhân, đây chính là điều khác biệt cũng gây quan ngại nhất.

Mặc dù vấp phải sự phản đối của Hiệp hội ngư dân trong nước và các nước láng giềng, nhưng kế hoạch xả thải của Nhật Bản là kế hoạch bắt buộc, hiện 1.000 thùng chứa nước thải đã gần đầy, sẽ không thể chứa thêm, buộc phải xả thải nước đã xử lý thì mới có thể chứa nước thải mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước