Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách trong triển khai các giải pháp tiếp theo để đưa nền kinh tế Trung Quốc về quỹ đạo tăng trưởng bình thường sau dịch COVID-19 trong bối cảnh các thị trường lớn nhập khẩu hàng Trung Quốc như Mỹ, châu Âu đều đang gặp nhiều khó khăn.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI lĩnh vực sản xuất tháng 4 là 49,2 điểm, thấp hơn so với tháng 3 với 51,9 điểm. Mức dưới 50 điểm chứng tỏ lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp lần đầu tiên trong 4 tháng gần đây. Sự sụt giảm PMI lĩnh vực sản xuất được lý giải là do nhu cầu thị trường không đủ mạnh và cơ sở so sánh cao trong quý đầu tiên do sự phục hồi nhanh chóng trong lĩnh vực sản xuất. Chỉ số giảm dưới 50 nằm ngoài dự đoán của hãng tin phương Tây Reuters trong cuộc thăm dò gần đây.
Chỉ số PMI phi sản xuất cũng giảm từ mức 58,2 điểm của tháng 3 xuống còn 56,4 trong tháng 4. Như vậy, chỉ số PMI tổng hợp bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất trong tháng 4 giảm từ 57 xuống 54,4 điểm. Chỉ số phụ về số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm mạnh, dưới 50 điểm, chứng tỏ xuất khẩu co cụm.
Trong quý I, nền kinh tế số hai thế giới tăng nhanh hơn dự báo nhờ tiêu dùng, dịch vụ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, điều đáng lo là sản lượng hàng hóa của các nhà máy đã chững lại trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp có doanh thu hàng năm từ 2,89 triệu USD giảm mạnh hơn 20% trước những thách thức về nhu cầu nhập khẩu trên thế giới giảm, nguyên liệu đầu vào cao, chi phí tài chính tăng. Đó là những vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng Trung Quốc để tiếp sức doanh nghiệp, nhất là bối cảnh tiêu dùng trong nước dù phục hồi nhưng vẫn chưa vững chắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!