Nhiều chỉ số báo hiệu nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu ổn định.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI lĩnh vực sản xuất tháng 9 đã tăng lên 50,2 điểm, so với mức 49,7 điểm của tháng 8. Vượt ngưỡng 50 điểm kể từ tháng 4, là mở rộng sản xuất. Sản lượng nhà máy và tăng trưởng doanh số bán lẻ đều tăng với tốc độ nhanh hơn, trong khi xuất khẩu và nhập khẩu đều thu hẹp mức giảm. PMI lĩnh vực phi sản xuất tháng 9 đạt 51,7. Tăng mạnh nhất là dịch vụ vận tải đường thủy, bưu chính, tiền tệ và tài chính, đều trên 55.
Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn khi trong tháng 8, giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong 10 tháng và đầu tư bất động sản giảm tháng thứ 18 liên tiếp. Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm giảm lượng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, giảm lãi suất thế chấp để nâng đỡ thị trường bất động sản.
Ngành bất động sản Trug Quốc vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh: Reuters)
Theo người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế Julie Kozack, năm nay, GDP Trung Quốc có thể đạt khoảng 5%. Về trung hạn, Quỹ tiền tệ Quốc tế cho rằng nếu Trung Quốc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ cải cách nền kinh tế, chuyển mạnh tăng trưởng dựa vào đầu tư sang tăng trưởng nhờ tiêu dùng, mức tăng trưởng trong trung hạn sẽ từ 3,5% trở lên.
Những chỉ số kinh tế đi lên theo các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế phát huy hiệu quả. Nhiều chuyên gia Trung Quốc lạc quan cho rằng GDP năm 2023 sẽ tăng từ 5 đến 5,2%. Điểm sáng nhất trong quý IV là tiêu dùng sẽ tăng mạnh mẽ từ các đợt kích cầu lớn như nghỉ lễ Quốc khánh, Á Vận hội và nhiều hội nghị, hội chợ mang tầm thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!