Hiệp định hạt nhân Iran: Thắng lợi lớn của Tổng thống Obama

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 12/04/2015 15:37 GMT+7

Ông Đỗ Sơn Hải bày tỏ những nhận định về chính sách mềm dẻo của Tổng thống Barack Obama trong chương trình Toàn cảnh thế giới.

VTV.vn - Đó là nhận định của ông Đỗ Sơn Hải – Trưởng khoa Chính trị quốc tế, HV Ngoại giao Hà Nội – khi bày tỏ kỳ vọng về chính sách mềm dẻo của Mỹ và hiệp định hạt nhân Iran.

Nhờ chính sách đối ngoại mềm dẻo của Tổng thống Obama, trong hơn 2 tháng qua, nước Mỹ đã có những hoạt động ngoại giao nổi bật. Đáng chú ý là tiến trình bình thường hóa quan hệ được đẩy nhanh một cách rất bất ngờ giữa Cuba và Mỹ. Thỏa thuận khung hạt nhân Iran và phương Tây cũng được Nhà trắng thúc đẩy, bất chấp những phản đối kịch liệt của Israel và Đảng Cộng Hòa đến phút chót.

Ông Đỗ Sơn Hải - Trưởng khoa Chính trị quốc tế của Học viện Ngoại giao tại Hà Nội cho rằng, chính sách mới đối ngoại mới giúp Mỹ đạt được nhiều lợi ích đáng kể: “Tổng thống Obama đã phần nào đạt được lời hứa ông đưa ra, từ việc thay đổi hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế cho đến thay đổi nền kinh tế trong nội bộ. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 bị ví như cơn đại hồng thủy nhưng ông vẫn chèo lái được con thuyền nước Mỹ vượt qua. Bên cạnh đó, ở thời kỳ Tổng thống Obama cầm quyền, nước Mỹ không tham dự vào những cuộc can thiệp quân sự bất đắc dĩ”.

Đặc biệt, những chuyển động trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã được ông Obama thể hiện rõ tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7, diễn ra tại Panama. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Cuba có mặt trở lại tại Hội nghị Thượng đỉnh của tổ chức Châu Mỹ - tổ chức mà Cuba đã không thể tham dự từ năm 1962 do chính sách thù địch của Mỹ. Lần đầu tiên, quan hệ Mỹ - Cuba được phá băng. Đồng thời, Mỹ còn thể hiện tiếng nói ôn hòa, giúp hòa dịu quan hệ căng thẳng trước đó với Venezuela. Những điều này cho thấy dường như Washinton đang muốn thực sự tạo lập một chương mới với khối các nước láng giềng trong khu vực của mình.

“Việc cải thiện được quan hệ với các nước Mỹ Latin không chỉ đơn thuần đem đến cho Mỹ lợi nhuận, hạn chế khả năng xâm nhập từ thế giới bên ngoài, mà còn đem đến cho nước Mỹ một sự lan tỏa. Bởi bầu không khí ‘chán Mỹ’, ‘ghét Mỹ’ nếu phát triển quá nhanh, tôi lo ngại sẽ gây ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn nạn về khủng bố. Vì thế, chính sách hết sức mềm dẻo của Mỹ tại Hội nghị góp phần để hạn chế điều này” – ông Đỗ Sơn Hải nhận định.

Ông Đỗ Sơn Hải – trưởng khoa Chính trị quốc tế Học viện Ngoại giao tại Hà Nội.

Ông Đỗ Sơn Hải – trưởng khoa Chính trị quốc tế Học viện Ngoại giao tại Hà Nội.

Tuy nhiên, sự mềm dẻo, thực dụng trong chính sách đối ngoại mới cũng khiến Tổng thống Obama bị nhận nhiều chỉ trích. Có ý kiến đánh giá đó là sự lùi bước của một siêu cường có tầm ảnh hưởng ở khắp khu vực, góp phần gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh thế giới. Các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa còn phê phán chính sách của ông Obama là hèn nhát và là nỗi xấu hổ của nước Mỹ. Phía Israel thì nói đây là sai lầm mang tính lịch sử. Ngoài ra, trong lúc này, lòng tin và thiện chí dường như vẫn còn xa vời trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran. Mặc dù đây là thời điểm hai bên đều muốn dỡ bỏ mối quan hệ thù địch, những thỏa thuận sơ bộ đã được ký kết, nhưng vấn đề hạt nhân hóc búa và tình hình phức tạp tại Trung Đông khiến tiến trình hòa giải Mỹ - Iran rất khó đoán định.

Cuối tháng 6 tới, hiệp định toàn diện giữa Mỹ và Iran sẽ được ký kết. Ông Đỗ Sơn Hải bày tỏ kỳ vọng hiệp định này sẽ là thắng lợi lớn trong chính sách đối ngoại mềm dẻo của Tổng thống Obama: “Tôi nghĩ, hiệp định này sẽ ký được thành công. Thực tế, vẫn có những biến chuyển xung quanh vấn đề hạt nhân Iran và màn đấu khẩu ở thỏa thuận khung. Nhưng xét cho cùng, niềm tin không thể dễ dàng đạt được ngay, mà còn phải thông qua nhiều công việc cụ thể. Hơn nữa, vấn đề hạt nhân Iran rất khó kiểm soát và liên quan đến vấn đề chủ quyền Iran. Chiến thắng của Tổng thống Obama chưa chắc đã khiến tất cả vui mừng. Nhưng tôi kỳ vọng tháng 6 tới, ông Obama sẽ đạt được thắng lợi trong việc này”.

Thông qua chính sách mới, nước Mỹ đang nhìn nhận lại những hạn chế của mình một cách thực tế, tạo nên chính sách đối ngoại kết hợp hài hòa giữa ngoại giao và quân sự, một chính sách hòa nhập không tách rời với cộng đồng quốc tế. Ông Đỗ Sơn Hải nhận định: “Chính sách này cho thấy, nước Mỹ có mục tiêu không thay đổi, nhưng cách thức lại thay đổi. Chính sách mềm dẻo của Tổng thống Obama là lợi thế cho các nước, bởi nếu khôn ngoan tận dụng được tính mềm dẻo, thực dụng trong chính sách này thì các nước sẽ có được sự hỗ trợ, nguồn lực từ Mỹ”.

Trong một thế giới đa cực với ưu thế của sức mạnh kinh tế và đổi mới công nghệ, nơi mà Mỹ không còn giữ sức mạnh kinh tế độc tôn, nơi sức mạnh của cường quốc quân sự cũng không còn là yếu tố quyết định để chi phối thế giới, việc duy trì được vị thế siêu cường trong những điều kiện hạn chế là một điều không hề dễ dàng. Làm mới lại vai trò siêu cường trong những hạn chế của mình và thích nghi với một thế giới đang những thay đổi chính là thách thức nặng nề đặt ra đối với Tổng thống Obama trong 2 năm nhiệm kỳ còn lại của ông.

Mời quý vị và các bạn theo dõi lại toàn bộ những đánh giá, nhận định của ông Đỗ Sơn Hải trong chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:

 

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước