Trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo - bao gồm thực phẩm và lều trại làm nơi trú ẩn tạm thời - bắt đầu di chuyển vào khu vực này vào khoảng 9h ngày 17/5 (theo giờ địa phương). Không có binh sĩ Mỹ nào xuất hiện ở đây cùng với các số hàng viện trợ này.
"Đây là một nỗ lực đa quốc gia nhằm cung cấp viện trợ bổ sung cho người dân Palestine ở Dải Gaza thông qua hành lang hàng hải hoàn toàn mang tính chất nhân đạo và với hàng hóa viện trợ do một số quốc gia và tổ chức nhân đạo quyên góp", CENTCOM viết trên mạng xã hội X.
Hệ thống phân phối hàng viện trợ bắt đầu hoạt động chưa đầy 24 giờ sau khi cầu tàu - được gọi là hệ thống Hậu cần chung ngoài khơi (JLOTS) - được kéo từ cảng Ashdod của Israel và lắp đặt vào sáng 16/5.
Cầu tàu trong quá trình xây dựng vào tháng 4/2024 (Ảnh: US Army)
CENTCOM cho biết các tàu chở hàng cứu trợ dự kiến sẽ được tàu Hải quân Mỹ hộ tống để di chuyển kho dự trữ từ bến tàu đến đường đắp cao được neo vào đất liền. Sau đó, xe tải sẽ chở hàng dọc theo tuyến đường đắp cao này vào bờ.
Hệ thống JLOTS cam kết sẽ cung cấp số lượng hàng nhiều hơn so với biện pháp thả dù bằng đường hàng không, vì cuộc tấn công quân sự của Israel đã làm tắc nghẽn một số cửa khẩu quan trọng đối với vận chuyển hàng cứu trợ và chuyển đến tay người dân Palestine.
Điểm vào chính của Gaza để phân phối viện trợ là cửa khẩu Rafah, từng được người Palestine coi là "vùng an toàn" đã bị lôi kéo vào một cuộc tấn công trên bộ của Israel, dẫn đến việc cửa khẩu này phải đóng cửa trong gần hai tuần, gây ra sự phẫn nộ giữa các nhà lãnh đạo thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự thất vọng với các hoạt động của Israel ở Rafah, gọi cuộc tấn công của họ vào thành phố này là "sai lầm" và cảnh báo rằng Mỹ sẽ ngừng cung cấp một số loại vũ khí cho Tel Aviv nếu cuộc tấn công tiếp tục diễn ra.
Cầu tàu sẽ cho phép khoảng 90 đến 150 xe tải chở hàng viện trợ quốc tế tới Gaza mỗi ngày (Ảnh: US Army)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói rằng cảng biển tạm thời được lập ra nhằm mục đích "hỗ trợ thêm cho các tuyến đường khác", chứ không phải là tuyến đường chính để cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người Palestine đang tuyệt vọng.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nói với Reuters rằng hàng viện trợ bắt đầu đến Dải Gaza qua cầu tàu của Mỹ trong bối cảnh các kho dự trữ thực phẩm trong khu vực đang "cạn kiệt" và "hầu như không còn gì".
Hệ thống JLOTS đã được lắp ráp và chờ đợi ở Ashdod vào đầu tháng 5 này, với chi phí ước tính khoảng 320 triệu USD. Các thành phần của cầu tàu đã được vận chuyển từ bang Virginia đến Địa Trung Hải vào tháng 3.
Theo ước tính của Mỹ, cầu tàu trên sẽ cho phép khoảng 90 xe tải chở hàng viện trợ quốc tế tới Gaza mỗi ngày, và có khả năng tăng lên 150 xe/ngày sau khi đi vào hoạt động đầy đủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!