Việc ngừng bắn nói trên nhằm cho phép dân thường tiếp cận những khu vực an toàn khi các lực lượng đối địch giao tranh sang ngày thứ sáu tại Sudan tính tới ngày 20/4.
Hàng nghìn người đã sơ tán khỏi thủ đô Khartoum của Sudan, khi tiếng súng và tiếng nổ vang lên. Một số lượng lớn người dân cũng đã đến Chad để chạy trốn giao tranh ở khu vực phía Tây Darfur.
Mỹ cho biết sẽ gửi thêm quân đến khu vực này trong trường hợp quyết định sơ tán Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum. Tổng Thư ký Guterres và các quan chức cấp cao từ Mỹ, Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã gọi điện cho Tổng Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, để thúc giục chấm dứt bạo lực.
Cho đến nay, hơn 330 người đã thiệt mạng trong cuộc tranh giành quyền lực bạo lực nổ ra vào cuối tuần trước ở Sudan. Những trận chiến khốc liệt nhất giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã diễn ra trong và xung quanh Khartoum, một trong những khu vực đô thị lớn nhất châu Phi, và ở Darfur, nơi vẫn bị ảnh hưởng bởi một cuộc xung đột kéo dài đã kết thúc vào ba năm trước.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm trực tuyến với người đứng đầu Liên minh châu Phi, Liên đoàn Arab và lãnh đạo của các tổ chức khác, ông Guterres cho biết: "Đã có sự đồng thuận mạnh mẽ về việc lên án giao tranh đang diễn ra ở Sudan và kêu gọi chấm dứt chiến sự như một ưu tiên trước mắt".
Người dân tập trung tại nhà ga để sơ tán khỏi Khartoum, ngày 19/4. (Ảnh: Reuters)
Đề xuất về một lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày, ông Guterres nói rằng thường dân bị mắc kẹt trong các khu vực xung đột cần được sơ tán và tiếp cận điều trị y tế, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Mỹ tán thành đề xuất ngừng bắn này.
Tướng Burhan nói với hãng tin Al Jazeera rằng ông sẽ ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn với điều kiện lệnh ngừng bắn này cho phép người dân tự do đi lại, điều mà ông cho biết RSF cho đến nay vẫn ngăn cản.
Trong khi đó, lãnh đạo RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, nói với Al Jazeera rằng ông sẵn sàng thực hiện thỏa thuận ngừng bắn kéo dài ba ngày trong dịp lễ Eid al-Fitr.
Kể từ khi chiến sự nổ ra, phần lớn giao tranh tập trung vào khu vực có trụ sở quân đội và dinh thự của Tướng Burhan. Khu đại sứ quán và sân bay cũng là nơi xảy ra đụng độ. Nhiều người dân địa phương vẫn đang bị mắc kẹt, cùng với hàng nghìn người nước ngoài tại một thành phố đã trở thành vùng chiến sự.
Tại Geneve, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các lực lượng mở một hành lang an toàn cho nhân viên y tế và cho phép những người bị mắc kẹt sơ tán.
Khoảng 10.000 đến 20.000 người chạy trốn khỏi cuộc giao tranh đã lánh nạn tại các ngôi làng dọc biên giới với Chad, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết.
Ngay cả trước khi xảy ra xung đột, khoảng 1/4 dân số Sudan đang phải đối mặt với nạn đói trầm trọng. Tuy nhiên, WFP đã tạm dừng một trong những hoạt động cứu trợ toàn cầu lớn nhất tại nước này vào ngày 15/4 sau khi 3 nhân viên của tổ chức này thiệt mạng do xung đột.
Sudan có biên giới với 7 quốc gia và nằm ở vị trí chiến lược giữa Ai Cập, Saudi Arabia, Ethiopia và khu vực Sahel đầy biến động của châu Phi, vì vậy các hành động thù địch có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!