Người biểu tình cầm khẩu hiệu trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Colombo. (Ảnh: AP)
Đây là một trong những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất ở Sri Lanka trong năm nay. Những người biểu tình đang yêu cầu Tổng thống nước này Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Theo hãng tin Reuters, hàng nghìn người đã đổ xuống khu chính quyền ở thủ đô Colombo của Sri Lanka, hô vang khẩu hiệu chống lại Tổng thống và phá bỏ một số rào chắn của cảnh sát để tiếp cận nhà ông Rajapaksa.
Cảnh sát đã nổ súng bắn chỉ thiên nhưng không thể ngăn được đám đông giận dữ vây quanh dinh thự của Tổng thống Rajapaksa.
Các nguồn tin từ bệnh viện cho biết, có ít nhất 21 người, bao gồm 2 cảnh sát, bị thương trong cuộc biểu tình.
Tổng thống Rajapaksa đã được sơ tán từ dinh thự của mình đến một địa điểm trú ẩn như một biện pháp phòng ngừa an toàn, theo hai nguồn tin của Bộ Quốc phòng Sri Lanka, trước một cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
Người biểu tình xông vào dinh Tổng thống Sri Lanka. (Ảnh: News Cutter)
Theo một video phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, hàng trăm người biểu tình đã chen chật cứng bên trong dinh thự.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe hiện đã triệu tập các nhà lãnh đạo đảng chính trị đến một cuộc họp khẩn cấp liên quan đến tình trạng bạo lực bùng phát.
Thủ tướng Wickremesinghe đã yêu cầu Quốc hội nước này triệu tập đại diện phát ngôn của những người biểu tình, một thông báo từ văn phòng Thủ tướng Sri Lanka cho biết.
Sri Lanka, quốc gia có dân số 22 triệu người, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ, kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Nước này đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men thiết yếu bị hạn chế.
Nhiều người đổ lỗi cho tình trạng suy thoái giảm của đất nước cho Tổng thống Rajapaksa đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức liên tục được đưa ra.
Cảnh sát sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán người biểu tình đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. (Ảnh: Reuters)
Sự tức giận của người dân ngày càng gia tăng trong những tuần gần đây khi các lô hàng nhập khẩu nhiên liệu giảm dần, dẫn đến việc xăng và dầu diesel chỉ được phân bổ cho các dịch vụ thiết yếu.
Văn phòng Ngoại giao Anh đã cảnh báo dừng tất cả các chuyến du lịch thiết yếu đến Sri Lanka, đất nước đã bị rơi vào tình trạng hỗn loạn tài chính do quản lý kinh tế yếu kém và ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID-19.
Vào tháng 4 năm nay, Sri Lanka tuyên bố ngừng trả các khoản vay nước ngoài do thiếu hụt ngoại tệ. Hiện nước này có khoản nợ tích lũy trị giá 42,4 tỷ Bảng. Trong đó, khoảng 23,3 tỷ Bảng phải được hoàn trả vào cuối năm 2027.
Cuộc khủng hoảng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chính quyền do gia tộc Rajapaksa điều hành trong hầu hết hai thập kỷ qua.
Anh trai của ông Rajapaksa đã từ chức Thủ tướng Sri Lanka vào tháng 6. Hai người anh em khác và một cháu trai của Tổng thống đã từ chức nội các trước đó, nhưng ông Rajapaksa vẫn tiếp tục nắm quyền.
Ông Wickremesinghe, người vừa nhậm chức Thủ tướng Sri Lanka hồi tháng 5, cũng đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức vì không thu hẹp được lỗ hổng tài chính của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!