Tháng 7/2023 còn là tháng đầu tiên nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp cách đây khoảng 275 năm.
Theo cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu, nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 7/2023 diễn ra sau các đợt nắng nóng chết người và nhiệt độ phá kỷ lục ở một số châu lục, cũng như sự nóng lên chưa từng có ở các đại dương.
Ngưỡng 1,5°C là rất quan trọng vì theo các nhà khoa học, việc vượt qua ngưỡng nhiệt này sẽ xảy ra các tình huống không thể lường trước và gây những hậu quả khủng khiếp cho hành tinh chúng ta như mực nước biển dâng cao, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, tình trạng thiếu lương thực và nước... sẽ càng trở nên bất lợi hơn cho sự sống.
Theo báo cáo được đăng trên tạp chí Earth System Science Data, các nhà khoa học tính toán rằng trong thập niên 2012 - 2021, trung bình mỗi năm có 54 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) được thải vào khí quyển, tương ứng khoảng 1.700 tấn/giây.
Từ năm 2013 đến năm 2022, tình trạng Trái đất nóng lên do hoạt động của con người gây ra đã khiến nhiệt độ tăng thêm 0,2°C trong mỗi 10 năm.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù thế giới đã có những động thái tích cực khi giảm dần việc sử dụng than, nhưng nghịch lý là điều này lại "góp phần" đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu khi làm giảm ô nhiễm không khí dạng hạt, vốn có tác dụng làm mát và giúp che chắn Trái đất khỏi toàn bộ sức nóng thiêu đốt của các tia mặt trời. Ô nhiễm không khí dạng hạt từ tất cả các nguồn làm giảm sự nóng lên khoảng 0,5°C. Điều này có nghĩa là ít nhất trong thời gian ngắn, khi không khí trong lành hơn, bề mặt Trái đất sẽ hấp thụ nhiều nhiệt hơn.
Ngoài ra, một trong những phát hiện chính của báo cáo trên là tốc độ suy giảm của "ngân sách carbon", ước tính lượng carbon có thể được thải vào khí quyển để mang lại 50% cơ hội giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5°C với thời kỳ tiền công nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!