Tên lửa đánh chặn dẫn đường Haegung được phóng từ tàu chiến của Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)
Thông cáo báo chí ra ngày 24/12 của Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) nêu rõ, kể từ năm 2011, Cơ quan Phát triển quốc phòng nước này (ADD) đã đóng vai trò chủ đạo trong triển khai dự án phát triển Haegung - tên lửa được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đang bay tới hoặc bắn hạ máy bay đối phương. Tên lửa này hoàn toàn ứng dụng những công nghệ trong nước, do vậy, có tính cạnh tranh cả về giá thành và công nghệ. Đây là lý do Seoul đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu loại vũ khí tối tân này.
Theo kế hoạch, từ năm 2019, Hàn Quốc sẽ chính thức khởi động chế tạo tên lửa đánh chặn thế hệ mới này và tới năm 2021 sẽ triển khai trang bị cho các tàu chiến.
Tên lửa đánh chặn này sẽ thay thế các tên lửa Rolling Airframe (RAM) của Mỹ được trang bị cho Hải quân Hàn Quốc từ năm 2003.
Hàn Quốc chú trọng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng với các dự án nghiên cứu, chế tạo những trang thiết bị quân sự hiện đại. Đầu tháng 9 vừa qua, các chuyên gia quốc phòng nước này đã thông báo phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa hồng ngoại (DIRCM) tiên tiến có khả năng bảo vệ máy bay trước các cuộc tấn công một cách hiệu quả hơn. Theo DAPA, đây là hệ thống có khả năng đánh chặn hiệu quả các tên lửa tìm nhiệt đuổi theo mục tiêu trên không, như máy bay hoặc trực thăng.
Các tên lửa tìm nhiệt truy đuổi máy bay bằng cách phát hiện nguồn nhiệt sinh ra từ động cơ máy bay hoặc từ ma sát tạo ra khi một vật thể chuyển động trong không khí ở tốc độ cao. DIRCM khi tích hợp vào chương trình phòng thủ của máy bay, sẽ đưa ra báo động tự động nếu máy bay bị một tên lửa hồng ngoại truy đuổi, đồng thời có thể khiến tên lửa này mất khả năng theo đuổi mục tiêu.
Hàn Quốc là nước thứ 6 trên thế giới phát triển loại hệ thống phòng thủ này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!