VTV.vn - Người Mỹ hiện đang vận động mạnh mẽ để ngăn chặn Huawei, đây là một phần trong kế hoạch lớn nhằm hạn chế sức mạnh quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh dưới thời Tập Cận Bình
Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 1.

Đầu năm 2018, bên trong một khu nhà tại thủ đô của Australia, một nhóm hacker làm việc cho chính phủ cùng tham gia vào một trò chơi chiến tranh kỹ thuật số.

Tác giả của vụ này là Tổng cục Tín hiệu Australia, cơ quan nghe lén bí mật hàng đầu quốc gia. Họ đưa ra một thách thức. Với tất cả các công cụ tấn công mạng họ có, nhóm hacker có thể tạo ra những mối nguy nào cho những thiết bị trong mạng lưới 5G giả định, của một nước nào đó?

Và kết quả từ nhóm hacker đã khiến những quan chức an ninh và chính trị gia Australia phải lo lắng. Nguy cơ từ hệ thống 5G là rất lớn, đến mức nếu thực sự nước này hứng chịu một cuộc tấn công mạng như vậy, việc lộ thông tin là cực kỳ khủng khiếp. Họ hiểu được rằng công nghệ 5G có thể bị khai thác phục vụ cho việc do thám, phá hoại những công trình quan trọng. Điều này đã thay đổi mọi thứ trong cách nhìn của chính quyền Australia.

Hồi tháng 3 vừa qua, Mike Burgess, người đứng đầu Tổng cục Tín hiệu Australia, đã giải thích lý do tại sao việc bảo đảm an ninh của mạng di động thế hệ thứ năm, hay 5G, là rất quan trọng. Người này cho biết, công nghệ 5G sẽ không thể thiếu trong thời gian tới, bởi nó là trung tâm của những cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Mọi thứ, từ lưới điện đến hệ thống cấp thoát nước.

Cả thế giới đều nghĩ rằng Washington đã chủ động mở chiến dịch ở quy mô toàn cầu để chống lại Huawei Technologies Co Ltd, một công ty công nghệ mà chỉ trong ba thập kỷ từ khi thành lập, đã trở thành một trụ cột trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc lên toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn của Reuters với hơn 20 quan chức tiền nhiệm và đương nhiệm của phương Tây chỉ ra rằng, chính người Úc mới là những người sốt sắng nhất trong việc thúc đẩy hành động sớm để tự bảo vệ mình trước kỷ nguyên 5G. Họ cho rằng Mỹ đã hành động hơi chậm từ đầu, còn Anh và các nước châu Âu khác lại đứng giữa ngã 3 đường của việc chọn lựa giữa an ninh hay những sản phẩm giá cả cạnh tranh được cung cấp bởi Huawei để thiết lập 5G.

Trước kia, người Úc chưa nhìn nhận đủ về Huawei trong các nền tảng hạ tầng mạng thế hệ cũ, nhưng chiến tranh mạng 5G mô phỏng đã nói phía trên đã làm họ thức tỉnh. Khoảng sáu tháng sau mô phỏng đó, chính phủ Úc đã cấm Huawei nhúng tay đến các kế hoạch 5G của họ. Một phát ngôn viên của chính phủ Úc đã từ chối bình luận về cuộc tấn công mô phỏng.

Sau khi người Úc chia sẻ phát hiện của họ với lãnh đạo Mỹ, các quốc gia khác cũng đã tiến hành hạn chế Huawei.

Và rồi, vào tuần trước, chiến dịch chống Huawei đã leo thang, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei trong các mạng viễn thông của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ sau đó cũng hạn chế Huawei mua các sản phẩm, linh kiện công nghệ của Mỹ. Công ty mẹ của Google, Alphabet, đã ngừng một phần hoạt động kinh doanh của họ với Huawei. Và ARM, một cái tên có "số má" khác trong ngành sản xuất phần cứng cho smartphone có trụ sở ở Anh, cũng nói lời đoạn tuyệt với tập đoàn công nghệ Trung Quốc.

"Thực ra mãi đến giữa năm ngoái, chính phủ Mỹ vẫn không mấy để tâm đến vấn đề này" - Tướng James Jones, người từng làm cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Barack Obama cho biết. Vậy điều gì đã làm giới chức cấp cao của Mỹ đã phải hành động? Phải có một biến cố bất ngờ do 5G mang đến.

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 2.

Người Mỹ hiện đang vận động mạnh mẽ để ngăn chặn Huawei, đây là một phần trong kế hoạch lớn nhằm hạn chế sức mạnh quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Tăng cường các hoạt động không gian mạng là một bước quan trọng trong cuộc đại tu quân sự mà ông Tập Cận Bình đã phát động ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012. Mỹ cũng đã cáo buộc Trung Quốc mở các cuộc tấn công quy mô lớn, được chính phủ tài trợ.

Nếu Huawei xây được chỗ đứng vững chắc trong hệ thống mạng 5G toàn cầu, Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ có một cơ hội chưa từng có để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng và thỏa hiệp để chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh quan trọng của Mỹ. Các quan chức an ninh cao cấp của phương Tây cho biết việc này có khả năng dẫn đến những cuộc tấn công mạng vào các công trình công cộng, mạng và các trung tâm tài chính quan trọng.

Trong bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào, các cuộc tấn công như vậy sẽ thay đổi mạnh mẽ về bản chất của chiến tranh: Kinh tế bị tổn hại, cuộc sống người dân bị đảo lộn, xa hơn nữa là các xung đột… mà không cần đến súng đạn hay bom mìn.

​ Đương nhiên, ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng sẽ dễ bị Mỹ và các đồng minh tấn công. Năm 2015, Bắc Kinh đã phàn nàn họ là nạn nhân của gián điệp mạng, mà không xác định được nghi phạm. Các tài liệu từ Cơ quan An ninh Quốc gia bị tuồn ra bởi Edward Snowden cho thấy Mỹ đã xâm nhập vào các hệ thống máy chủ của Huawei. Tuy nhiên, những thông tin này chưa thể kiểm chứng.

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 3.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn Huawei hiện là một thách thức lớn đối với Washington và các đồng minh thân cận, đặc biệt là các thành viên của một nhóm được gọi là Nhóm chia sẻ thông tin "Five Eyes" gồm cả Anh, Canada, Australia và New Zealand.

Từ khởi đầu là một công ty khiêm tốn vào những năm 1980 tại thành phố Thâm Quyến, phía Nam Trung Quốc, Huawei vươn mình để trở thành một người khổng lồ công nghệ, tiến sâu vào thị trường mạng truyền thông toàn cầu và hội đủ điều kiện để làm bá chủ cơ sở hạ tầng 5G. Hiện trên thế giới có rất ít đơn vị có thể thay thế cho Huawei. Công ty này cũng có cơ sở tài chính vững mạnh, báo cáo doanh thu năm 2018của Huawei đã tăng gần 20% lên hơn 100 tỷ USD.

Các quốc gia cấm vận Huawei lại đang đối mặt nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa. Kể từ khi cấm Huawei tham gia vào các kế hoạch 5G của mình vào năm ngoái, Australia đã gặp muôn vàn rào cản trong xuất khẩu than sang Trung Quốc, bao gồm cả sự trễ nải của hải quan từ phía nước này. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng họ áp dụng quy trình như nhau với than từ tất cả các nước. Đồng thời họ cũng khẳng định, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than Australia đơn giản vì không phù hợp với nhu cầu thực tế.

Căng thẳng với Huawei cũng đang gây chia rẽ trong nhóm Five Eyes, vốn là một trong những nền tảng của an ninh phương Tây sau Thế chiến thứ hai. Trong chuyến thăm London vào ngày 8/ 5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một cảnh báo rất rắn tới Anh, vì nước này không mạnh dạn nói không với Huawei trong việc triển khai mạng 5G. Ông cho rằng: "Những biện pháp an ninh không đủ mạnh sẽ cản trở Mỹ chia sẻ thông tin với các mạng lưới họ tin tưởng. Đây chính xác là những gì Trung Quốc muốn, họ muốn chia rẽ các nước trong liên minh Five Eyes thông qua vũ khí số, chứ không phải bom đạn."Nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi, năm nay 74 tuổi, là một cựu sỹ quan quân đội Trung Quốc. Đại diện công ty này phát biểu: "Ông Nhậm luôn duy trì sự hòa hợp nhưng độc lập. Chưa từng có ai yêu cầu chúng tôi hợp tác làm gián điệp, nhưng nếu có, chúng tôi sẽ luôn từ chối trong bất kỳ trường hợp nào."

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại trụ sở của công ty ở Thâm Quyến, Eric Xu, Phó Chủ tịch Huawei cho biết, họ không cho phép bất kỳ chính phủ nào cài đặt cái gọi là "cửa sau" trong thiết bị của mình để truy cập bất hợp pháp nhằm phục vụ gián điệp hoặc phá hoại - và khẳng định Huawei sẽ không bao giờ làm như vậy. Ông cũng cho biết 5G an toàn hơn những thế hệ mạng di động trước đó.

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định không yêu cầu các công ty hay cá nhân cài đặt "cửa sau" để thu thập hoặc cung cấp dữ liệu, thông tin tình báo từ trong nước hoặc nước ngoài cho chính phủ Trung Quốc.

Trong khi đó, Washington thì phản bác rằng, không cần đến những "cửa sau" trong điện thoại để phá hoại hệ thống 5G. Hệ thống này phụ thuộc rất lớn vào những bản cập nhật phần mềm được tung ra bởi nhà cung cấp thiết bị. Với mạng 5G, những đoạn mã độc rất có khả năng được phát tán nhanh chóng.

Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa tung ra các bằng chứng cho thấy thiết bị Huawei có thể sử dụng cho công tác gián điệp.

Khi được hỏi liệu Mỹ có đang phản ứng chậm trước các mối đe dọa tiềm tàng do 5G gây ra hay không,  Robert Strayer, chuyên viên chính sách mạng hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Mỹ từ lâu đã lo ngại về các công ty viễn thông Trung Quốc, nhưng trong năm qua, 5G đã xuất hiện. Giờ thì chúng tôi đã bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với các đồng minh của mình. Chặn Huawei tham gia mạng 5G vẫn là mục tiêu cuối cùng".

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 6.

Phương Tây từ lâu đã có những lo ngại về thiết bị viễn thông Trung Quốc. Năm 2012, một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ đã kết luận các công ty công nghệ Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Huawei sau đó đã lên tiếng phản bác kết luận này.

Tuy những lo ngại như vậy xuất hiện từ lâu, nhưng mãi đến gần đây, chính phủ Mỹ mới có những động thái đối với các mối đe dọa từ hệ thống 5G.

Vào tháng 2/2018, Malcolm Turnbull, khi đó là thủ tướng Australia, đã bay tới Washington D.C. Thời điểm này rõ ràng là trước cả khi cơ quan an ninh của Australia triển khai cuộc tấn công mạng mô phỏng, Turnbull đã cảnh báo Washington từ lúc đó. Vốn là một cựu doanh nhân công nghệ, ông tin rằng 5G gây ra những rủi ro đáng lưu tâm và muốn thúc đẩy các đồng minh có hành động chống lại Huawei.

Người phát ngôn của Turnbull từ chối bình luận.

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 7.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phát biểu trong cuộc họp báo với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào đầu năm 2018. Nhà lãnh đạo Australia đã cảnh báo về những rủi ro do 5G gây ra trong chuyến thăm này. Ảnh: Jonathan Ernst/ Reuters

Turnbull và các cố vấn của ông đã gặp các quan chức Mỹ, bao gồm Kirstjen Nielsen, sau này là Thư ký An ninh nội địa Mỹ và Michael Rogers, sau này là người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Phái đoàn Australia tin rằng Bắc Kinh có thể buộc Huawei phải tham gia đấu thầu các thiết bị và điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc trong tương lai.

Theo thông tin từ Australia, hai vị quan chức Mỹ đã tiếp nhận thông tin trên, nhưng việc áp lệnh hạn chế đối với Huawei lại không được cân nhắc lúc đó.

Rogers từ chối bình luận về vấn đề trên. Một quan chức khác của Bộ An ninh Nội địa Mỹ thì không  nói rõ về cuộc họp, nhưng cho biết cơ quan này hợp tác chặt chẽ với Australia về các vấn đề an ninh, và cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động gián điệp không gian mạng và có khả năng tấn công mạng.

5G được kỳ vọng ​​sẽ mang lại một bước nhảy vọt về tốc độ truyền tải. Theo đó, tốc độ tải xuống trên mạng 5G có thể nhanh hơn tới 100 lần so với mạng hiện tại.

Nhưng 5G không chỉ là vấn đề về tốc độ. Việc nâng cấp lên 5G sẽ làm tăng đột biến theo cấp số nhân sự kết nối, giữa hàng tỷ thiết bị, từ tủ lạnh thông minh đến xe không người lái, dự kiến ​​sẽ hoạt động trên mạng 5G. Nó không đơn thuần là việc một người có thể kết nối nhiều thiết bị, mà đó còn sự giao tiếp giữa các máy nói với nhau, thiết bị liên lạc với thiết bị - tất cả đều được kích hoạt bởi 5G. Đó là phát biểu của ông Burgess, Giám đốc Cục Tín hiệu Australia.

Cấu trúc phức tạp này của mạng 5G sẽ tạo ra nhiều điểm có thể xâm nhập, từ đó các nhóm tội phạm sẽ tiến hành chiến tranh mạng nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng trọng yếu của một quốc gia. Mối đe dọa đó càng lớn hơn gấp bội nếu những kẻ có mưu đồ này đã có thiết bị lắp sẵn trong hệ thống mạng, một quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Huawei phản bác rằng họ không kiểm soát các thiết bị mạng, mà chúng được triển khai lắp đặt bởi chính các khách hàng. Các cáo buộc của Mỹ và Australia rất mơ hồ và không cơ sở nào làm bằng chứng cả.

​Đến tháng 7 năm 2018, Anh đã giáng một đòn mạnh vào Huawei. Một hội đồng do chính phủ dẫn đầu bao gồm các quan chức tình báo cấp cao cho biết họ không tự tin rằng có thể xử lý được những rủi ro an ninh quốc gia từ gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 8.

Hội đồng này đã giám sát hoạt động của một phòng thí nghiệm được thành lập bởi chính phủ Anh vào năm 2010 và do Huawei tài trợ. Phòng thí nghiệm này được xây dựng để Huawei sửa lỗi những thiết bị đang được sử dụng tại Anh. Phòng thí nghiệm này được thành lập bởi trước đó, Anh đã nhận ra những rủi ro bảo mật từ Huawei.  Hội đồng giám sát cho biết họ đã xác định các vấn đề nghiêm trọng trong quy trình kỹ thuật của Huawei, cụ thể là "các quy trình kỹ thuật này làm lộ ra những rủi ro mới và tạo ra những thách thức lâu dài trong việc quản lý và giảm thiểu sai sót đối với mạng viễn thông Anh".

Sự kiện đó như một hồi chuông cảnh tỉnh, nó thay đổi cách người Mỹ nhìn nhận những rủi ro từ 5G của Huawei, một quan chức Mỹ cho biết.

Các quan chức Mỹ cũng chỉ ra những điều luật Trung Quốc ban hành trong những năm gần đây và cho rằng Trung Quốc có thể dùng chúng để buộc các cá nhân và công ty tiếp tay cho chính phủ Trung Quốc thực hiện hoạt động gián điệp.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đó là sự hiểu lầm và bôi nhọ luật pháp Trung Quốc và cho rằng  "việc Mỹ hạ thấp người khác để tô vẽ cho mình là vô ích".

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 9.

​Đến giữa năm ngoái, phía Australia tiếp tục gửi đến các quốc gia khác những hiểu biết của họ về nguy cơ từ 5G. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, và các nước châu Âu khác đều được cảnh báo.

Washington bắt đầu áp lệnh hạn chế đối với Huawei. Tháng 8 năm ngoái, Trump đã ký một dự luật cấm các cơ quan chính quyền liên bang và các nhà thầu của họ sử dụng thiết bị từ Huawei và ZTE Corp, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc. Huawei đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Texas vì lệnh cấm trên.

Cuối tháng 8, người Úc còn chơi lớn hơn, cấm các công ty không đạt các yêu cầu bảo mật (trong đó có Huawei) cung cấp bất kỳ thiết bị nào cho hệ thống mạng 5G của nước này, dù là cơ quan chính phủ hay các công ty tư nhân.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng quyết định của Australia trên thực tế, không dựa trên cơ sở nào, và là một sự lạm dụng quyền áp đặt tiêu chuẩn an ninh quốc gia. Trung Quốc kêu gọi phía Australia từ bỏ đường lối tư duy đó và định kiến ​​về sản phẩm Trung Quốc, và cung cấp một môi trường công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc.

Vào tháng 11, cơ quan tình báo New Zealand, đã cấm các nhà mạng viễn thông của mình sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G, với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.

Cũng giống chính quyền Australia và Mỹ, các quan chức an ninh Anh lo ngại về việc Trung Quốc có thể sử dụng Huawei như một kênh gián điệp. Nhưng thực sự họ cũng không có quá nhiều lựa chọn. Các nhà phân tích cho rằng Huawei là một trong ba công ty toàn cầu lớn có thể cung cấp các thiết bị mạng di động tiên tiến ở quy mô sản xuất hàng loạt. Hai cái còn lại là Ericsson và Nokia. Và Huawei đã tạo được uy tín với các đơn vị khai thác viễn thông vì thiết bị tiết kiệm và hợp lý.

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 10.

Tuy nhiên, giới quan chức an ninh Anh ngày càng thất vọng với Huawei khi công ty này cứ phải liên tục sửa các lỗi phần mềm trong thiết bị, đặc biệt là sự thiếu nhất quán của các mã nguồn. Điều này có nghĩa là, tại phòng thí nghiệm được thành lập để sửa lỗi các thiết bị của Huawei đề cập ở trên, những mã nguồn được sử dụng ở đây chưa chắc đã là những mã mà Huawei đang triển khai cho các thiết bị trên thị trường của mình. Và như vậy, sẽ rất khó khăn để tin vào sự đảm bảo an toàn từ các thiết bị của công ty này.

Các quan chức Anh cho biết đã xuất hiện hàng loạt lỗ hổng có thể bị Trung Quốc - hay bất kỳ "diễn viên phản diện" nào đó khác - khai thác. Ian Levy, một quan chức an ninh của Anh giám sát đánh giá thiết bị Huawei nói với Reuters rằng, phần mềm của Huawei giống như thứ gì đó từ 20 năm trước mang ra dùng lại. Nguy cơ lộ ra một lỗ hổng của sản phẩm Huawei cao hơn nhiều so với sản phẩm của các nhà cung cấp khác.

Còn Huawei thì cam kết sẽ chi ít nhất 2 tỷ đô la trong vòng 5 năm tới để cải thiện kỹ thuật phần mềm của mình.

Các bộ trưởng Anh đã đồng ý cho phép Huawei giữ vai trò hạn chế trong việc xây dựng mạng 5G tại nước này nhưng Chính phủ Anh thì vẫn chưa công bố quyết định cuối cùng. Liên minh Châu Âu đã trao quyền tự quyết cho chính phủ từng nước về việc cấm hay không cấm bất kỳ công ty nào, vì lý do an ninh quốc gia. Một số quan chức an ninh Châu Âu nói rằng việc cấm một nhà cung cấp không giải quyết được cả một vấn đề rộng lớn về những rủi ro do công nghệ Trung Quốc mang lại.

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 11.

​Khi căng thẳng giữa phương Tây và Huawei gia tăng trong năm ngoái, các bên đột ngột rẽ lối đi riêng. Các quan chức hành pháp của Hoa Kỳ đã dành một thời gian dài điều tra mối liên hệ giữa Huawei và Iran, trong đó, có sự tham gia của Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei, người được biết đến là con gái của Chủ tịch Nhậm Chính Phi. Báo cáo chỉ ra mối quan hệ vào năm 2012 và 2013 giữa Huawei, giám đốc Mạnh và một công ty khác. Nhóm này bị tố cáo là đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Khi Mỹ biết Mạnh Vãn Chu sẽ đến Vancouver vào tháng 12, họ đã yêu cầu Canada bắt giữ bà này về các cáo buộc gian lận. Mạn Vãn Chu vẫn được tại ngoại tại Canada trong khi Mỹ nỗ lực để dẫn độ bà về Mỹ. Huawei tuyên bố Mạnh Vãn Chu vô tội trước những cáo buộc trên, và vụ bắt bớ là do động cơ chính trị.​

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 12.

Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính và con gái của người sáng lập Huawei, trong nhà để xe của tòa án Vancouver vào tháng 3. Ảnh: Ben Nelms/ Reuters

Rắc rối của Huawei cũng chính là cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc. Các hoạt động của Mạnh Vãn Chu và Huawei đã bị Mỹ theo dõi từ lâu trước khi Trump nổ phát súng bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nhưng giờ đây, rõ ràng là trận chiến không còn gói gọn ở phạm vi công ty với Huawei mà đã mang tính địa chính trị.

Trong những tháng gần đây, Mỹ đã tăng cường ngoại giao để thúc giục các đồng minh về vụ Huawei. 5G là một vũ khí thay đổi cục diện cuộc chiến trên tất cả các khía cạnh của xã hội từ doanh nghiệp, chính phủ, quân đội và hơn thế nữa. Gordon Sondland, đại sứ Mỹ tại Liên minh Châu Âu nói với Reuters "Cũng không có gì lạ khi tôi từ chối giao chìa khóa kiểm soát toàn bộ xã hội cho một diễn viên chuyên...đóng vai ác."

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 13.

Khi được hỏi liệu có bằng chứng nào về việc thiết bị Huawei đã được sử dụng cho hoạt động gián điệp hay không, Gordon cho biết, có một bằng chứng mật nhưng từ chối trả lời sâu hơn. Tuy nhiên, Gordon thừa nhận rằng Huawei có khả năng hack cả hệ thống mạng.

Pompeo thì trực diện hơn, ông nói thẳng rằng Huawei thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc và có mối liên hệ sâu sắc với lực lượng tình báo của họ.

Huawei đã nhiều lần phủ nhận họ bị kiểm soát bởi các cơ quan tình báo của chính phủ, quân đội Trung Quốc, và rằng Ngoại trưởng Pompeo đã sai.

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 14.

Guo Ping, Phó chủ tịch của Huawei, một trong những người của Huawei có phát ngôn chống lại những sức ép đến từ Mỹ. Ảnh: Tyrone Siu/ Reuters

Mặc dù Huawei ban đầu khá im hơi lặng tiếng và kiệm lời trong các phát biểu công khai, nhưng họ cũng dần trở nên "máu chiến". Vào cuối tháng 2, họ đã đối đầu trực tiếp với Mỹ tại một cuộc gặp lớn hàng năm của các giám đốc điều hành ngành công nghiệp di động ở Barcelona, ​​nơi logo màu đỏ của Huawei có mặt ở khắp mọi nơi.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ bước vào phòng họp với ý định cảnh báo các chính phủ khác và các công ty trong ngành về ảnh hưởng Huawei. Nhưng Huawei đã mang đến một "binh đoàn" các giám đốc điều hành cấp cao trấn an khách hàng và đại diện của các nước châu Âu trước các cáo buộc của Hoa Kỳ.

Trong một bài phát biểu quan trọng, Guo Ping, Phó chủ tịch của Huawei, đã công kích vào chính các hoạt động gián điệp của Mỹ.

"Prism, Prism on the wall. Who’s the most trustworthy of them all?" - tạm dịch "Kính kia ngự ở trên tường, ai là người ta có thể tin tưởng nhất trong đám người kia ...".

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 15.

Mượn câu nói trong Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Huawei đá xéo tới "Lăng Kính" Prism - một kế hoạch giám sát quy mô toàn cầu của Mỹ mà Edward Snowden đã tiết lộ. Câu móc máy này của Huawei đã tạo nên một tràng cười trong khán phòng.

Các nước châu Âu cũng bắt đầu suy nghĩ lại. Trong một phiên họp kín, đại diện cấp cao từ các ông lớn viễn thông châu Âu đã ép một quan chức Mỹ đưa ra bằng chứng rủi ro bảo mật của Huawei.

Quan chức Mỹ đáp trả: "Chờ được vạ thì má đã sưng. Tôi không biết tại sao các ông lại thích đùa với lửa."

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 16.

Nhiều nước châu Âu có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc, và những nhân vật chóp bu trong ngành vẫn bị thu hút bởi các sản phẩm giá rẻ của Huawei. Thị trường Mỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ của doanh thu Huawei, nhưng Châu Âu thì khác, họ đã sử dụng rất nhiều thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng hiện hữu.

Vào tháng 3, Đức, một trong những thị trường lớn nhất châu Âu của Huawei, cho biết họ sẽ không cấm công ty này xây dựng mạng 5G. Thay vào đó, họ sẽ thắt chặt các tiêu chí bảo mật cho Huawei và tất cả các nhà cung cấp khác.

Góc khuất sau cuộc chiến giữa Mỹ và gã khổng lồ công nghệ Huawei - Ảnh 17.

Trụ sở Huawei tại thành phố Thâm Quyến. Ảnh: Thomas Suen/Reuters

Mỹ cũng đã tạo sức ép lên nhà nước Baltic của Litva, một thành viên của NATO. Trong một cuộc họp hồi tháng 3, đại sứ Mỹ giục Thủ tướng Litva có động thái chống lại Huawei. Ông này nói rằng thiết bị của công ty 5G có thể tạo ra lỗ hổng cho quân đội đồng minh.

Một người dự cuộc họp cho biết, phát ngôn viên của Mỹ đề xuất một mạng lưới viễn thông an toàn và chuỗi cung ứng không có nhà cung cấp nào chịu sự kiểm soát của một chính phủ, điều có thể gây ra rủi ro về những truy cập trái phép và những mã mạng độc hại.

Nhưng Litva, quốc gia phụ thuộc quân sự vào Hoa Kỳ lại không muốn cấm Huawei. Họ thích mức giá của Huawei và không muốn làm Trung Quốc thất vọng. Kết quả là Litva đang tìm cách ngăn chặn Huawei mà không thực sự phải ban hành lệnh cấm đối với Huawei.

"Mỹ và các đồng minh đang bơ vơ vì đã không phát triển những công ty sản xuất thiết bị 5G" cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã nói trong một bài phát biểu tại London vào tháng 3. Vì nhận ra mọi việc quá muộn, các quốc gia từng tiên phong trong công nghệ không dây - Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, và kể cả Australia, giờ lại không thể có đủ thiết bị để tự xây dựng một hệ thống 5G, chứ chưa nói đến thống trị công nghệ này.

Thực hiện: Lệ Quyên 

Đồ họa: Phương Anh

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước