Giới nhà giàu Mỹ “in tiền” nhanh chưa từng có trong thời kỳ đại dịch

Việt Linh (Theo Bloomberg)-Thứ năm, ngày 21/01/2021 06:03 GMT+7

VTV.vn - Nước Mỹ đang giàu có hơn trong đại dịch COVID-19 xét theo một vài thông số. Tuy nhiên, phần lớn điều này lại chỉ đúng với nhóm 20% người giàu nhất nước này.

Kinh tế rơi vào suy thoái chưa từng có trong hơn 1 thập kỷ, tỷ lệ thất nghiệp và số lượng người vô gia cư đang tăng cao kỷ lục. Tuy nhiên, với giới nhà giàu tại Mỹ thì những ảnh hưởng tiêu cực kể trên hầu như không tác động nhiều, không chỉ vì họ có thể dễ dàng chuyển sang làm việc tại nhà.

Các biện pháp cứu trợ nền kinh tế lớn chưa từng thấy của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), như việc giữ lãi suất thấp gần 0%, trong khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu tăng phi mã đang tạo ra cú hích mạnh mẽ cho tài sản của người giàu.

Giới nhà giàu Mỹ “in tiền” nhanh chưa từng có trong thời kỳ đại dịch - Ảnh 1.

Phố Wall liên tục lập đỉnh mới giúp tài sản của giới nhà giàu tăng mạnh trong năm 2020 (Nguồn: CNBC)

Nhưng điều này cũng che lấp thực tế, đó là là phần lớn tác động tiêu cực của đại dịch lại rơi xuống đầu nhóm người lao động phổ thông, vốn khó có thể tiếp cận với thị trường tài chính.

Kể cả khi chính quyền mới của ông Joe Biden dự kiến chi thêm hàng nghìn tỷ USD cứu trợ kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lên tiếng cảnh báo những hệ lụy nghiêm trọng do chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ hiện đã lên mức cao nhất trong vòng nửa thế kỷ, và cách phản ứng của nước Mỹ với tác động kinh tế từ đại dịch đang đặt ra những câu hỏi lớn với nhiều chuyên gia.

Giới nhà giàu Mỹ "ăn nên làm ra" trong năm 2020

Giáo sư Peter Atwater từ Đại học William & Mary, người đã phổ biến cụm từ "đà phục hồi theo hình chữ K" nổi tiếng gần đây, nhận xét: "Khó có lúc nào tốt hơn để làm người giàu tại Mỹ như là hiện nay. Hầu hết những động thái của giới chức đều chỉ giúp cho giới giàu nhất trở thành nhóm hồi phục nhanh nhất từ đại dịch".

Theo dữ liệu mới từ viện Opportunity Insights thuộc Đại học Harvard, lượng việc làm ở nhóm lao động có thu nhập cao nhất (từ 60.000 USD/năm trở lên) đã phục hồi về mức cách đây 1 năm.

Giới nhà giàu Mỹ “in tiền” nhanh chưa từng có trong thời kỳ đại dịch - Ảnh 2.

Nhóm 20% giàu nhất hiện chiếm tuyệt đại đa số chứng khoán sở hữu bởi hộ gia đình Mỹ (Nguồn: FED)

Trong khi các lệnh đóng cửa bao phủ toàn quốc, thì cũng có hàng triệu người, đặc biệt là người ở các nấc thang phía trên trong nền kinh tế Mỹ, đã có thể đủ dư dả để rút một phần chi phí sinh hoạt sang tiết kiệm và đầu tư. Chứng khoán Mỹ đang liên tục lập đỉnh, trong khi trái phiếu cũng tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ, đảm bảo một khoản sinh lời tốt đối với nhóm thu nhập cao.

Amanda Fischer, Giám đốc chính sách tại Trung tâm nghiên cứu Washington về Tăng trưởng công bằng bình luận: "Nếu tài sản của bạn chủ yếu là các tài sản tài chính thì bạn đang có một giai đoạn ăn nên làm ra. Ngược lại nhóm có thu nhập thấp nhất, thậm chí không phải chịu thuế thu nhập, lại đang phải chịu rào cản đáng kể nhất".

Giới nhà giàu Mỹ “in tiền” nhanh chưa từng có trong thời kỳ đại dịch - Ảnh 3.

Lãi suất cho vay thế chấp xuống thấp kỷ lục giúp người mua nhà Mỹ tái cấp vốn cho các khoản vay (Nguồn: CNBC)

Một "món quà" khác cho tầng lớp khá giả tại Mỹ: lãi suất cho vay thế chấp cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kỷ lục đồng thời với đà tăng của cổ phiếu – một điều đặc biệt có lợi cho những người mua nhà. Theo dữ liệu từ hãng cho vay thế chấp Fannie Mae, lượng đi vay tái cấp vốn đã tăng nhanh nhất trong gần hai thập kỷ, giúp hàng triệu người tiền đi vay mua nhà mỗi tháng.

Những người bị bỏ lại phía sau

Tuy nhiên ở đầu kia của thang thu nhập, tình hình lại rất khác. Số lượng việc làm cho nhóm có thu nhập từ 27.000 USD/năm trở xuống, hiện ở mức thấp hơn 20% so với 1 năm trước. Gần 30 triệu người trưởng thành trong tình trạng không đủ ăn, theo số liệu cập nhật từ Cục Điều tra dân số Mỹ, tăng 28% so với trước đại dịch. Louisiana - bang chịu tác động nặng nề nhất chứng kiến cứ 5 người dân thì có 1 người bị thiếu thực phẩm, và tình hình còn nặng nề hơn trong cộng đồng người da màu.

Giới nhà giàu Mỹ “in tiền” nhanh chưa từng có trong thời kỳ đại dịch - Ảnh 4.

Hàng triệu người phải xếp hàng nhận trợ cấp từ ngân hàng thực phẩm tại Mỹ do không đủ ăn (Nguồn: Reuters)

Thay vì vay tiền mua nhà, hàng triệu người đang phải lo nghĩ cách giữ lại căn nhà của mình. Theo khảo sát của Cục Điều tra dân số hồi tháng 12, 1/3 người Mỹ trưởng thành thuộc những hộ đã rơi vào tình trạng nợ tiền thuê nhà hay không thể trả tiền vay thế chấp đúng hạn, và đang đứng trước nguy cơ bị trục xuất hoặc tịch biên nhà trong vòng 2 tháng tới.

Giới nhà giàu Mỹ “in tiền” nhanh chưa từng có trong thời kỳ đại dịch - Ảnh 5.

Việc làm của nhóm thu nhập thấp nhất hiện vẫn giảm 21% so với đầu năm 2020 (Nguồn: Opportunity Insights)

Dù việc phân phối các loại vaccine đầu tiên đang tạo ra lạc quan cho thị trường tài chính, thì con đường phục hồi vẫn vô cùng chông gai với đa số người vay nợ, ngay cả khi gói cứu trợ bổ sung đã được Quốc hội thông qua vào tháng 12.

Bradford Botes, điều hành viên hãng chuyên về luật phá sản Bond & Botes tại Alabama, bình luận: "Chúng tôi ngày càng nhận thấy sự vô vọng ở nhiều người. Họ đều cảm thấy mình đang ở rất gần bờ vực phá sản".

Theo ông Botes, các khoản trợ cấp thất nghiệp và séc cứu trợ là không đủ với phần lớn các khách hàng được công ty ông tư vấn. "Chúng chỉ giúp họ đủ sống qua ngày, và hầu như không thể tạo nên hiệu quả rõ rệt nào với đa số người dân bình thường" - ông nói.

Mặt trái của những chính sách hỗ trợ nền kinh tế

Trên thực tế, các gói cứu trợ kỷ lục được giới chức Mỹ thông qua và triển khai từ năm ngoái đến nay đã tập trung nhiều vào nhóm khó khăn nhất, và đã phần nào giúp nhiều người duy trì được việc làm cũng như đủ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cùng với đó cũng là hạn chế của việc bất bình đẳng ngày một gia tăng.

Với việc FED nới lỏng các điều kiện tín dụng, các tập đoàn lớn và giới nhà giàu đã được nhận sự hỗ trợ nhanh chóng. Tuy nhiên với các doanh nghiệp nhỏ và người lao động thu nhập thấp, việc triển khai hỗ trợ lại gặp vô vàn trở ngại bởi tình trạng chậm trễ, các thủ tục và tiêu chí rườm rà và phức tạp.

Giới nhà giàu Mỹ “in tiền” nhanh chưa từng có trong thời kỳ đại dịch - Ảnh 6.

Chính sách giữ lãi suất gần 0% của FED góp phần khiến bất bình đẳng gia tăng trong đại dịch (Nguồn: Reuters)

Trong khi hỗ trợ tiền tệ diễn ra trơn tru, các biện pháp kích thích tài khóa lại gặp nhiều trục trặc. Lý do là bởi trong gần 40 năm qua, chính phủ Mỹ chủ yếu phó thác việc giữ ổn định chu kỳ kinh tế cho FED, trong khi chính sách tài khóa bị xem là lỗi thời và chủ yếu chỉ nhằm xử lý khủng hoảng, dù có thể được phân phối công bằng hơn. Kết quả là bất bình đẳng cũng ngày càng gia tăng theo thời gian.

Chuyên gia Amanda Fischer cho rằng, các cơ chế để chính phủ Mỹ tiếp cận và hỗ trợ người dân đang cần cải cách mạnh mẽ. "Quốc hội đã mạnh tay tung ra các gói cứu trợ, nhưng chúng là không đủ để xử lý một hệ thống đã rỉ sét nhiều thập kỷ. Việc Fed không thể làm gì khác ngoài mở rộng chương trình mua trái phiếu là do lựa chọn, chứ không phải một điều tất yếu".

Về phần mình, các quan chức của FED cũng thừa nhận rằng kích thích tiền tệ không phải là thuốc chữa bách bệnh, và với các mục tiêu cụ thể, ngân hàng trung ương chỉ có trong tay những công cụ rất hạn chế.

Trong cuộc họp báo hôm 16/12, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định: "FED không thể chi tiền vào những đối tượng cụ thể để hỗ trợ. Các quan chức dân cử mới là những người có quyền đánh thuế, chi tiêu và ra quyết định về việc định hướng các nguồn lực của xã hội".

Giới nhà giàu Mỹ “in tiền” nhanh chưa từng có trong thời kỳ đại dịch - Ảnh 7.

Nhiều chuyên gia hối thúc Quốc hội Mỹ sớm thông qua chương trình cứu trợ tiếp theo (Nguồn: CNBC)

Về chính sách tài khóa, nhiều nhà kinh tế cho rằng việc chậm trễ đưa ra một kế hoạch kích thích mới, có thể trì hoãn đà phục hồi kinh tế, khi mà vaccine COVID-19 chỉ mới vừa được đưa ra công chúng

Khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung cho hàng triệu người dân nằm trong gói kích thích hồi tháng 12 sẽ chỉ có hiệu lực tới hết tháng 3. Trong khi đó, các tiểu bang và chính quyền địa phương sẽ phải tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" sâu hơn nữa do thất thu thuế.

Bà Heidi Shierholz, từng là kinh tế gia trưởng của Bộ Lao động Mỹ thời chính quyền Obama cho rằng: "Nếu không có thêm gói hỗ trợ, họ sẽ phải cắt giảm chi tiêu và dịch vụ công nhiều hơn nữa, gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến nhóm hộ gia đình và cộng đồng có thu nhập thấp". Theo bà, hỗ trợ toàn diện cho các chính quyền tiểu bang và địa phương, cùng với duy trì trợ cấp thất nghiệp bổ sung nên là ưu tiên chính của các biện pháp tiếp theo.

Giới nhà giàu Mỹ “in tiền” nhanh chưa từng có trong thời kỳ đại dịch - Ảnh 8.

Duy trì trợ cấp thất nghiệp bổ sung đang được chờ đợi sẽ là ưu tiên chính trong các gói kích thích tiếp theo (Nguồn: NYT)

Các nhà kinh tế cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả lâu dài của sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập, như dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn, tỷ lệ tội phạm cao hơn và bất ổn xã hội gia tăng. Nói như giáo sư Peter Atwater: "Bạn không thể có một nền kinh tế và hệ thống chính trị bền vững, nếu chỉ một số nhỏ được hưởng thành công, trong khi ngày càng có nhiều người trong xã hội cảm thấy đang thất bại".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước