Giới đầu tư Trung Quốc, chủ yếu đến từ tầng lớp trung lưu đang rời bỏ Malaysia (Nguồn: SCMP)
Cuộc di cư của những người Trung Quốc tại Johor, Malaysia khiến giấc mơ của Patricia Li - một trong số những nhà đầu tư cá nhân đổ xô đến Malaysia để mua nhà với mong muốn sở hữu bất động sản thứ hai bên ngoài đại lục - sụp đổ.
Năm 2017, cô Li chuyển đến quốc gia nhiệt đới Đông Nam Á này, mở một quán trà ở Johor để phục vụ cộng đồng người Hoa tại đây. Hy vọng về một tương lai xán lạn hơn đã thúc đẩy cô rời quê hương Vân Nam của mình.
Một số nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cũng đã đầu tư mạnh vào Johor, Malaysia để phát triển những dự án phù hợp, nhiều sức hút đối với những người Trung Quốc giàu có mong muốn đầu tư ra nước ngoài và trải nghiệm phong cách sống mới. Kể từ năm 2011, công ty bất động sản Country Garden có trụ sở tại Quảng Đông cho biết, họ đã đầu tư gần 20 tỷ RM, tương đương 4,83 tỷ USD vào Malaysia và tạo ra hơn 1.500 việc làm.
Chương trình Ngôi nhà thứ hai của tôi (MM2H) tại Malaysia được triển khai vào năm 2002, cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài visa dài hạn lên đến 10 năm. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm của đại dịch Covid-19 cùng sự leo thang trong căng thẳng địa chính trị khiến giới đầu tư Trung Quốc vô cùng lo lắng. Việc chính phủ Malaysia tuyên bố dừng chương trình MM2H hồi tháng trước như một phần của nỗ lực phong toả ngăn chặn sự lây lan của đại dịch càng "tạo đà" cho làn sóng bán tháo bất động sản mạnh mẽ, ngay cả khi điều này khiến các nhà đầu tư lỗ nặng.
Giới đầu tư Trung Quốc, chủ yếu đến từ tầng lớp trung lưu, đang rời bỏ Malaysia (Nguồn: SCMP)
Giữa quá nhiều bất ổn, những người từng mơ ước được định cư ở Johor buộc phải suy nghĩ lại về kế hoạch của mình. Nhiều người đã chọn cách đơn giản là rời khỏi Malaysia, trong khi số khác thì cố gắng bán nhà vì không chắc liệu khi nào mới có thể nhập cảnh trở lại.
"Thật buồn khi thấy cảnh bán tháo một căn hộ rộng 48 m2 trên WeChat với giá chỉ khoảng 600.000 Nhân dân tệ, tức 88.640 USD. Tôi đã chi hơn 1 triệu Nhân dân tệ cho một căn hộ như thế vào năm 2016" - cô Li chia sẻ.
Quán trà cũng phải chịu cảnh đóng cửa do việc kinh doanh ế ẩm. Quá nhiều người Trung Quốc rời khỏi Johor khiến lượng khách đến quán chẳng là bao so với trước.
"Liệu có nên bán tài sản ở Johor dù bị thua lỗ hay không?" - Câu hỏi này đã trở thành chủ đề đáng quan tâm trong cuộc nói chuyện của Li với nhiều người bạn trung lưu cũng mua bất động sản ở Malaysia trong vài năm qua.
"Tôi từng nghĩ nhà ở đây sẽ tăng giá. Quán của tôi sẽ có nhiều người Trung Quốc lui tới. Nhưng thực tế lại rất khác so với những gì tôi mong đợi".
Wendy Wu, một người dân Bắc Kinh từng đầu tư vào bất động sản ở Johor, cũng đang vô cùng lo lắng trong bối cảnh triển vọng bất động sản ngày càng trở nên ảm đạm.
"Sẽ không có nhà đầu tư Trung Quốc đến mua bất động sản ở đây nữa nếu thiếu visa dài hạn".
Anh nói thêm, đại dịch COVID-19 và mối quan hệ địa chính trị đang căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác đã khiến việc sống ở nước ngoài không còn an toàn như trước.
Mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và các quốc gia khác đã khiến việc sống ở nước ngoài không còn an toàn như trước (Nguồn: Reuters)
Trong khoảng thời gian từ 2002 - 2008, chương trình MM2H đã cấp hơn 43.943 đơn xin visa từ 131 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 30% trong số đó đến từ công dân của Trung Quốc đại lục. Đây là chương trình định cư do chính phủ Malaysia ban hành dành cho người nước ngoài muốn đầu tư và định cư trong thời gian dài ở Malaysia. Tuy nhiên, khả năng mở cửa trở lại của "cánh cửa" dẫn tới giấc mơ "ngôi nhà thứ hai" này vẫn đang là dấu chấm hỏi.
Theo Hiệp hội Tư vấn về chương trình Ngôi nhà thứ hai tại Malaysia, 90% đơn đăng ký thị thực từ tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái - ngay trước khi bùng phát dịch COVID-19 đã bị rút lại không rõ lý do.
Nhiều sinh viên Trung Quốc học tại các trường quốc tế của Johor cũng hồi hương khi dịch bệnh bùng phát. Đối với Li, những ngôi trường này từng là một trong số những yếu tố làm phong phú thêm cuộc sống ở Malaysia. Bốn năm trước, khi cô lần đầu tiên đến thăm Johor trong một "chuyến tham quan để đầu tư", khu vực này được coi là nơi hoàn hảo để thực hiện ước mơ sở hữu một căn nhà tại nước ngoài và tạo cơ hội cho con cái được trải nghiệm nền giáo dục quốc tế.
Mua nhà ở Malyasia từng được coi là con đường tắt giúp các gia đình Trung Quốc có một cuộc sống tốt đẹp hơn (Nguồn: SCMP)
Hồi đó, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vẫn bùng nổ. Cũng giống như Li, giới trung lưu Trung Quốc bị thu hút bởi không gian sống tại Malaysia. Nhiều người thậm chí đã xuống tiền mua nhà ngay từ lần đầu tiên tới Johor, nhất là sau khi họ biết rằng, giá bất động sản trung bình tại đây chỉ bằng khoảng một phần tư mức giá ở trung tâm thành phố Bắc Kinh.
Mua nhà ở nước ngoài vốn được coi là con đường tắt giúp các gia đình Trung Quốc có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không chỉ bị thu hút bởi món đầu tư sinh lời, giới trung lưu Trung Quốc tìm đến Malaysia còn vì sự hấp dẫn của môi trường sống lành mạnh để nuôi dưỡng gia đình, hơn nữa quốc gia này lại tương đối gần với Trung Quốc đại lục và Singapore.
Theo Simon Zhao, Phó chủ nhiệm Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Quốc tế BNU-HKBU, quy mô đầu tư tại nước ngoài của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã giảm mạnh do đại dịch, khi sức chi tiêu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự suy thoái kinh tế.
Zhao cho rằng: "Hầu hết các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đã không chuẩn bị sẵn sàng - cả về mặt tài chính lẫn tâm lý - trước những rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài. Việc chỉ trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ khiến họ thiếu khả năng nhận thức rủi ro để đối phó với những thay đổi của nền kinh tế".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!