Gian lận tuyển sinh ở Mỹ - Vụ án nghiêm trọng nhất lịch sử ngành Giáo dục Mỹ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 13/03/2019 18:03 GMT+7

William Rick Singer, kẻ chủ mưu đứng sau vụ gian lận quy mô lớn này, rời tòa án liên bang sau khi bị buộc tội ngày 12/3. Ảnh: NBC

VTV.vn - Dư luận Mỹ đang xôn xao về một bê bối gian lận tuyển sinh lớn nhất từ trước tới nay.

Theo đó, một số gia đình có điều kiện đã chi các khoản tiền lớn cho kẻ môi giới để con mình được vào các ngôi trường danh giá như Yale, Stanford, Georgetown, hay Đại học Nam California. Những kẻ môi giới sau đó đã dùng những thủ đoạn hết sức tinh vi để qua mặt nhà trường và hệ thống giáo dục. Hoạt động bất hợp pháp này được cho là bắt đầu từ năm 2011 và vẫn đang tiếp diễn. Ít nhất 50 người đã bị truy tố, trong số đó có những bậc phụ huynh là nhân vật nổi tiếng.

Nhiều sao dính bê bối gian lận tuyển sinh tại Mỹ

Nữ diễn viên Felicity Huffman nổi danh với bộ phim truyền hình ăn khách "Desperate Housewives" và nữ diễn viên Lori Loughlin là 2 cái tên đáng chú ý trong số gần 20 bị cáo xuất hiện tại tòa án ở Los Angeles, Mỹ vào ngày 12/3.

Họ cùng hàng chục vị phụ huynh khác, hầu hết là thành phần gia đình giàu có và quyền lực đã trả tiền, thông qua hình thức đóng góp từ thiện cho một công ty có tên là Edge College & Career Network do kẻ môi giới tên là William Singer, 58 tuổi, cầm đầu để lo lót cho con em, hay người thân.

Ông Andrew Lelling - Cơ quan công tố quận Massachusetts, Mỹ cho biết: "Các khách hàng của Singer trả từ 100.000 - 6.500.000 USD cho dịch vụ của ông ta. Vụ việc cho thấy sự gia tăng gian lận trong quy trình tuyển sinh của các trường đại học ưu tú. Không thể nào có hệ thống tuyển sinh riêng dành cho giới nhà giàu và tôi khẳng định là cũng sẽ không có hệ thống luật pháp riêng dành cho họ".

Theo điều tra của FBI, công ty của Singer thực hiện nhiều thủ đoạn khác nhau để chạy trường. Đó có thể là gian lận trong cuộc thi xét tuyển, hay làm giả chứng chỉ thể thao để con cái của các phụ huynh trên được tuyển vào trường dựa trên các mối quan hệ thông qua hối lộ. Các trường đại học ở Mỹ luôn dành một số chỉ tiêu tuyển sinh cho các tài năng thể thao để những người này sau khi vào trường tham gia vào phong trào và đội tuyển của trường.

Đối với trường hợp gian lận thi cử, các phụ huynh được hướng dẫn để tạo ra những cái cớ, để con cái mình được dự thi ở những cơ sở mà nhân viên đã được mua chuộc để nhắc bài cho học sinh, hoặc đút lót người có thể sửa lại bài thi cho học sinh sau khi bài thi đã gửi đi.

"Đây là trường hợp họ phô trương sự giàu có của mình, không ngại chi tiền để lừa gạt hệ thống giáo dục, nhằm tạo dựng thành công cho con cái mình với một sự giáo dục tốt nhất mà tiền có thể mua được theo nghĩa đen", ông Joseph Bonavolonta - Đặc vụ FBI nói.

Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hiện đang mở rộng điều tra và xác định thêm đối tượng liên quan đến đường dây. Các trường đại học nêu tên được xác định là không liên quan đến đường dây gian lận tuyển sinh này.

Dư luận Mỹ phản ứng ra sao trước vụ việc này ?

Cách báo chí Mỹ đưa tin và tần suất cập nhật thông tin liên tục đã phần nào cho thấy mức độ quan tâm của dư luận Mỹ đối với vụ việc này. Chỉ trong ngày 12/3, tờ Thời báo Los Angeles đã có tới gần 20 bài viết lớn trên trang nhất. Còn các tờ Bưu điện Washington và Thời báo New York cũng đã có tới không dưới 10 bài.

Các bài viết đều nhấn mạnh đây là vụ án lớn nhất và nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành Giáo dục Mỹ. Nó đã làm sói mòn lòng tin của các bậc phụ huynh và các em học sinh vào công tác tuyển sinh của các trường đại học, đặc biệt là các trường danh tiếng hàng đầu nước Mỹ; đồng thời làm dấy lên mối nghi ngại rằng đã có nhiều em học sinh dù đủ tiêu chuẩn, nhưng đã không thể có được một suất vào học ở các trường đại học danh tiếng bởi những hành vi gian lận kéo dài trong nhiều năm qua. Vụ việc cũng cho thấy những lỗ hổng không hề nhỏ trong công tác tuyển sinh của các trường đại học Mỹ, một trong những lĩnh vực đem lại nguồn thu hàng đầu cho nền kinh tế Mỹ.

Điều gì sẽ xảy ra với các em học sinh liên quan trong vụ gian lận này?

Theo công tố viên, các cáo buộc của vụ án này không nhằm vào các em học sinh. Hiện các em được tạm xác định là vô tội và không biết về những việc làm sai trái của các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, hiện báo chí Mỹ đang phanh phui một số em nhận thức rõ họ không có đủ năng lực và biết một phần việc làm sai trái của cha mẹ mình. Vậy liệu họ có phải chịu hình phạt nào không. Đó là câu hỏi dư luận Mỹ đang đặt ra.

Trong khi đó, một số trường đại học đã tuyên bố sẽ xem xét đuổi học một số học sinh đã được xác định rõ ràng có gian lận khi nhập học. Vậy đối với các sinh viên có gian lận và đã tốt nghiệp các trường đại học này ra thì sao? Đây vẫn là một trong những câu hỏi lớn lúc này chưa thể có lời giải đáp.

Triệt phá đường dây triệu USD chạy suất vào các đại học danh giá Mỹ Triệt phá đường dây triệu USD chạy suất vào các đại học danh giá Mỹ

VTV.vn - Ít nhất 50 người đã bị truy tố vì dính líu tới đường dây hối lộ tuyển sinh đại học trên khắp nước Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước