Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn so với Tết Tân Sửu 2021, kỳ nghỉ Tết âm lịch ở một số nước châu Á như Việt Nam hay Trung Quốc sẽ bắt đầu ngay trong tháng 1 năm 2022. Thời điểm này, vấn đề gián đoạn, ách tắc dòng hàng hóa xuất nhập khẩu tại Trung Quốc đang không chỉ diễn ra trên biên giới đường bộ giữa nước này với các nước láng giềng, mà cả với vận tải hàng hóa bằng đường biển.
Lo ngại tình trạng chuỗi cung ứng gián đoạn trầm trọng hơn đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, Tết Nguyên đán đến sớm hơn 12 ngày so với năm 2021, các dịch vụ vận tải do vậy sẽ tạm dừng sớm hơn. Lúc này, nhiều nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng đường biển tới một số cảng nhỏ ở Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động, chờ nghỉ Tết Nguyên đán. Thứ hai, thủy thủ đoàn phải thực hiện thời gian cách ly kéo dài hơn, trước khi được phép về nhà.
Theo tin từ Bloomberg, thành viên đội tàu khi muốn nhập cảnh nội địa Trung Quốc, trong một số trường hợp sẽ phải thực hiện cách ly lên đến 7 tuần.
Tình hình đặc biệt thể hiện rõ ở các khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam của Trung Quốc. Thông thường nếu trước khi xảy ra dịch, các hãng vận tải ở đây chỉ dừng hoạt động trước Tết Nguyên đán 2 tuần. Năm nay, các doanh nghiệp đến lúc này đã rục rịch nghỉ.
Nhiều hãng vận tải lớn của thế giới, bao gồm cả Ocean Network Express, hay Hapag Lloyd, đã dừng tiếp nhận các đặt hàng container vận chuyển tới các cảng nhỏ hơn của Trung Quốc.
Theo các đánh giá trên thị trường, dịch vụ vận chuyển gián đoạn dài hơn bình thường tại Trung Quốc sẽ tác động nhiều đến chuỗi cung ứng toàn thế giới, do vai trò quan trọng của các cảng biển cỡ nhỏ ở nước này trong vận tải hàng hóa.
Nhà phân tích Lars Jensen tại công ty vận tải biển Vespucci nhận định, khi hàng hóa vận chuyển đường biển bị gián đoạn, một số doanh nghiệp sẽ chuyển sang cố gắng đưa hàng đi đường bộ và làm tăng áp lực thông quan ở các cửa khẩu trên bộ của Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!