Giảm lượng muối trong thực phẩm để khỏe hơn

Quỳnh Chi (T/h)-Thứ sáu, ngày 15/10/2021 07:34 GMT+7

Mỹ công bố mức natri mục tiêu cho hàng chục loại thực phẩm bao gồm nước sốt và gia vị, khoai tây chiên kiểu Pháp, snack khoai tây. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) mới đây đã công bố hướng dẫn đối với ngành chế biến thực phẩm, mục tiêu là giảm hàm lượng muối trong thực phẩm.

Theo hướng dẫn, lượng tiêu thụ muối trung bình được khuyến nghị đến đầu năm 2024 giảm khoảng 12%, tương đương giảm tiêu thụ khoảng 60 thìa muối mỗi năm.

Theo FDA, người Mỹ tiêu thụ lượng muối nhiều hơn 50% so với khuyến nghị và 95% trẻ em từ 2-13 tuổi nạp lượng muối vượt giới hạn được khuyến nghị. Điều này có thể dẫn tới các bệnh cao huyết áp, tim mạch, béo phì và tiểu đường.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy, ở Mỹ, rào cản lớn nhất đối với việc giảm lượng muối ăn (natri) là phần lớn lượng natri trong đồ ăn thức uống không nằm trong phạm vi kiểm soát của người sử dụng. Ở vùng nông thôn Trung Quốc, hầu hết các bữa ăn đều được tự nấu từ đầu đến cuối. Vì vậy, lượng natri nạp vào cơ thể nằm trong tầm kiểm soát của người chế biến thực phẩm. Trong khi đó, người Mỹ sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn và rất nhiều trong số đó chứa lượng natri cao.

Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra rối loạn khác cho sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gram muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê). Tuy nhiên, đa số người dân đều tiêu thụ muối gấp đôi so với khuyến cáo, tức là khoảng 10 gram/ngày.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốcvào năm 2015, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gram muối trong một ngày, cao gấp đôi so với khuyến cáo. Số liệu cho thấy, hiện nay, tại Việt Nam, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, trong 3 trường hợp tử vong có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu tử vong do tai biến mạch máu não.

Giảm lượng muối trong thực phẩm để khỏe hơn - Ảnh 1.

Người Mỹ tiêu thụ lượng muối nhiều hơn 50% so với khuyến nghị. (Ảnh: Medical News Today)

Trong năm 2016, ước tính toàn quốc có tới 81.800 trường hợp tử vong do bệnh mạch máu não (chiếm 15% tổng số tử vong trên toàn quốc) và 67.500 trường hợp chết do nhồi máu cơ tim (chiếm 12% số tử vong).

Theo điều tra năm 2015, 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn (muối trên bàn ăn); 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mỳ ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...).

Mặc dù hầu hết người Việt Nam ăn nhiều muối nhưng chỉ có 16% số người khi được hỏi cho rằng bản thân có ăn mặn.

Các biện pháp chính để giảm muối gồm:

- Cho bớt muối: giảm lượng muối và gia vị mặn cho vào khi chế biến thức ăn.

- Chấm nhẹ tay: hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn.

- Giảm ngay đồ mặn: hạn chế lựa chọn hay sử dụng thực phẩm có nhiều muối.

Ăn thừa muối và những ảnh hưởng đối với sức khỏe Ăn thừa muối và những ảnh hưởng đối với sức khỏe

VTV.vn - Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước