Giải tán Hạ viện Nhật Bản - bước tính kỹ lưỡng của chính quyền Abe

Toàn cảnh thế giới (VTV)-Chủ nhật, ngày 23/11/2014 17:37 GMT+7

Chương trình Toàn cảnh thế giới với sự tham gia của PGS. TS Ngô Xuân Bình

Đây là đánh giá của GS.TS Ngô Xuân Bình, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này về sự kiện giải tán Hạ viện tại Nhật Bản.

Tuần qua, Nhật Bản đã liên tiếp đón nhận những tin tức gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Ngày thứ Hai đầu tuần là một tin tức không vui cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khi tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quý III giảm 1.6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Với tỷ lệ tăng trưởng này, nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái.

Tiếp đó, để thăm dò dư luận đối với chương trình cải cách kinh tế mang tên "Abenomics" của mình, Thủ tướng Nhật Bản - ông Shinzo Abe đã quyết định giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 14/12 tới, đồng thời lùi thời hạn tăng thuế tiêu dùng lần hai từ 8% lên 10% đến năm 2017.

Quyết định của thủ tướng Nhật Bản dù không phải là điều bất ngờ vì đã được giới chuyên gia đồn đoán trước đó, nhưng nó đã đặt ra khá nhiều câu hỏi đối với dư luận như tại sao lãnh đạo của một Đảng chiếm thế đa số chắc chắn trong Hạ viện lại quyết định tiến hành bầu cử sớm trong khi nhiệm kỳ của mình còn tới 2 năm phía trước? Những tác động của cuộc bầu cử này tới đất nước này sẽ như thế nào?

Những vấn đề này sẽ được phân tích trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này cùng sự tham gia của GS.TS Ngô Xuân Bình, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á.

Theo đánh giá từ nhiều nhà phân tích chính trị, quyết định giải tán Hạ viện của Thủ tướng Shinzo Abe được đánh giá là một quyết định khá mạo hiểm khi ông chấp nhận đặt tương lai chính trị của mình vào cuộc bầu cử tháng 12 sắp tới. Việc giải tán Hạ viện diễn ra trong bối cảnh, một số chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe đang trong quá trình bắt đầu triển khai. Trong đó, chiến lược tăng thuế tiêu thụ mà chính phủ Nhật Bản vừa áp dụng giai đoạn đầu từ tháng 4 vừa qua lại đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế, khiến mức tăng trưởng chậm lại và rơi vào suy thoái.

Đánh giá quyết định này của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, PGS. TS Ngô Xuân Bình cho rằng đây là một sự tính toán kỹ lưỡng của Thủ tướng Abe, dù ít nhiều sẽ có yếu tố mạo hiểm trong đó.

“Đây là một phép thử thì rõ ràng sẽ có yếu tố mạo hiểm, nhưng xét trong lịch sử chính trị Nhật Bản vài thập niên gần đây, nhất là đối với lịch sử đảng LDP, đây là một sự tính toán rất kỹ của chính quyền Abe. Và tất nhiên, yếu tố mạo hiểm sẽ ít hơn” - PGS. TS Ngô Xuân Bình cho biết.

PGS. TS Ngô Xuân Bình cũng nói thêm: “Xét về nguyên nhân ông Abe tiến hành việc bầu cử sớm, có lẽ lý do lớn nhất là ông Abe muốn thử phản ứng của công chúng đối với câu chuyện có ủng hộ Abenomics của ông ấy không. Qua thực tiễn, đây là cách làm để tận dụng ưu thế của đảng LDP. Nếu được công chúng ủng hộ về mặt kinh tế thì địa vị của LDP vẫn tiếp tục được củng cố, đặc biệt ở thời điểm nhiều đảng đối lập không có sự chuẩn bị”.

PGS. TS Ngô Xuân Bình - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

Mặc dù tỷ lệ ủng hộ đối với Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã suy giảm ít nhiều theo các cuộc thăm dò dư luận thời gian gần đây, nhưng nó vẫn đứng ở mức cao đối với một Chính phủ mới hoạt động được gần 2 năm. Do vậy, động thái của Thủ tướng Shinzo Abe thoạt nhìn có vẻ là mạo hiểm, nhưng có nhiều nhà phân tích cho rằng đó lại là một quyết định hợp lý, khi tận dụng được thời điểm các Đảng đối lập còn đang phân tán lực lượng và không được chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chạy đua mới vào Thượng viện.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của PGS.TS Ngô Xuân Bình, ở thời điểm những thành tựu từ chính sách “Abenomics” đã đạt được một nửa chặng đường dù chỉ mới thực hiện một thời gian, chính là lợi thế giúp Chính phủ của Thủ tướng Abe giành lợi thế trong cuộc bầu cử sớm sắp tới.

Còn hơn nửa tháng nữa sẽ diễn ra cuộc chạy đua vào Hạ viện Nhật bản, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có nửa tháng để chuẩn bị đưa ra những kế hoạch tranh cử, thuyết phục người dân tin vào các chính sách đang còn dang dở của mình. Trong lúc này, các đảng đối lập cũng đang tìm cách công kích vào các “gót chân asin” của đảng LDP nhằm lật lại thế cờ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhận định rằng khả năng xảy ra một cuộc "lội ngược dòng" là rất thấp, và các đảng đối lập gần như không thể tạo ra một thách thức thực sự đối với đảng LDP trong thời gian còn lại từ nay cho đến ngày bầu cử. Thêm vào đó, hiện tại, khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Dân chủ Nhật bản - đối thủ nặng ký nhất của LDP - đang khá xa nhau.

Dẫu vậy, cả khi tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong vòng 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước