Giải mã những tin đồn về vaccine COVID-19

An Ngọc (Theo BBC, NDTV)-Thứ ba, ngày 17/11/2020 16:23 GMT+7

Nguồn: CNN

VTV.vn - Những thông tin về sự phát triển của vaccine COVID-19 không chỉ mang đến niềm hy vọng cho thế giới, mà còn dẫn đến một loạt tin đồn chống vaccine trên mạng xã hội.

Bill Gates và những tin đồn về microchip

Tỷ phú sáng lập Microsoft từng là đối tượng của nhiều tin đồn thất thiệt trong thời kỳ đại dịch.

Ông là người hoạt động từ thiện rất năng nổ trong lĩnh vực y tế cộng đồng và phát triển vaccine.

Một trong những tin đồn được chia sẻ nhiều nhất trong thời gian qua, là đại dịch COVID-19 là vỏ bọc cho kế hoạch cấy ghép các vi mạch nhỏ có thể theo dõi vào cơ thể và… Bill Gates là người đứng sau tất cả.

Không có bằng chứng nào chứng minh cho những tuyên bố này. Quỹ Bill và Melinda Gates cũng đã khẳng định rằng điều này hoàn toàn sai sự thật.

Mặc dù thiếu bằng chứng, vào tháng 5, một cuộc thăm dò của YouGov với 1.640 người tham gia cho thấy 28% người Mỹ tin rằng Bill Gates muốn sử dụng vaccine để cấy vi mạch vào cơ thể người.

ADN bị thay đổi?

Phóng viên của Nhà Trắng, Emerald Robinson từng đăng lên trang twitter có 264.000 người theo dõi của mình rằng, "hãy cẩn thận" với vaccine của Pfizer và BioNTech, bởi "nó có thể thay đổi ADN của bạn".

Giải mã những tin đồn về vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Bài đăng trên twitter của phóng viên Mỹ Robinson, cho rằng vaccine làm thay đổi ADN của con người.

Kênh truyền hình BBC đã hỏi ba nhà khoa học độc lập về điều này. Họ cho biết vaccine COVID-19 không làm thay đổi ADN của con người.

Những người truyền bá tư tưởng này có lẽ đã hiểu sai cơ bản về di truyền học. Vaccine chứa một đoạn vật liệu di truyền của virus - hoặc RNA. Giáo sư Jeffrey Almond thuộc Đại học Oxford cho biết: "Tiêm RNA vào một người không ảnh hưởng gì đến ADN của tế bào người."

Người phát ngôn của công ty dược phẩm Pfizer, Andrew Widger cho biết vaccine của công ty "không làm thay đổi trình tự AND của cơ thể người. Nó chỉ cung cấp cho cơ thể các hướng dẫn để xây dựng khả năng miễn dịch".

Một phần sự hiểu lầm dường như bắt nguồn từ loại vaccine COVID-19 đang được phát triển. Vắc xin của Pfizer - BioNTech sử dụng công nghệ RNA thông tin, hoặc "mRNA".

Nó hoạt động bằng cách đưa ra hướng dẫn cơ thể để sản xuất một loại protein có trên bề mặt của virus SARS-CoV-2.

Sau đó, hệ thống miễn dịch học cách nhận biết và sản xuất kháng thể chống lại protein.

Dòng tweet của bà Robinson bao gồm khẳng định rằng công nghệ vắc xin mRNA "chưa từng được thử nghiệm hoặc phê duyệt trước đây".

Đúng là trước đây chưa có vắc xin mRNA nào được chấp thuận, nhưng nhiều nghiên cứu về vắc xin mRNA ở người đã được thực hiện trong vài năm qua.

Giáo sư Almond nói rằng vaccine Pfizer - BioNTech là loại vaccine đầu tiên cho thấy hiệu quả cần thiết để được xem xét cấp phép.

Ông nói, chỉ vì đó là một công nghệ mới, "không có nghĩa là chúng ta nên sợ nó".

Các vaccine mới phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn nghiêm ngặt trước khi có thể được khuyến nghị sử dụng rộng rãi.

Giải mã những tin đồn về vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech sử dụng công nghệ mRNA. (Nguồn: Reuters)

Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2, vaccine được thử nghiệm với số lượng nhỏ tình nguyện viên để kiểm tra xem nó có an toàn hay không và xác định liều lượng thích hợp. Trong thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine được thử nghiệm trên hàng nghìn người để xem xét hiệu quả. Nhóm được chủng ngừa và nhóm dùng giả dược được theo dõi chặt chẽ về bất kỳ phản ứng phụ - tác dụng phụ nào. Việc giám sát an toàn vẫn tiếp tục ngay cả sau khi vaccine được cấp phép.

Bà Claire Wardle, tác giả của một báo cáo gần đây về những bí ẩn về vaccine trên mạng xã hội, cho biết có sự "thâm hụt dữ liệu" xung quanh các chủ đề như công nghệ mRNA - một tình huống có nhu cầu cao về thông tin, nhưng nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy lại thấp.

Bà Wardle, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận First Draft, cho biết: "Điều này khiến mọi người dễ bị tiếp nhận những thông tin sai lệch, vốn được hấp tấp thêm vào để lấp đầy khoảng trống".

"Trong khi thông tin đáng tin cậy phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu, thì các tài khoản cá nhân không đáng tin cậy và các trang tin tức thay thế lại có thể làm giảm niềm tin vào vaccine" - bà Wardle cho biết.

Tin đồn về tác dụng phụ

Một nội dung khác trong tweet của phóng viên Robinson là một trong những chủ đề chống vaccine được chia sẻ rộng rãi nhất trong thời gian gần đây.

Cô khẳng định 75% tình nguyện viên thử nghiệm vaccine đã gặp phải tác dụng phụ. Nhưng Pfizer và BioNTech đã báo cáo không có lo ngại nghiêm trọng về tính an toàn trong thử nghiệm của họ.

Nhiều loại vaccine có tác dụng phụ. Nhưng đại đa số gần như không đáng sợ như những người chống vaccine vẫn tuyên bố.

Tiến sĩ Penny Ward, giáo sư thỉnh giảng về dược phẩm tại Đại học King's College London cho biết: "Giống như tất cả các loại vaccine khác, vaccine COVID-19 có thể gây ra các tác dụng phụ trong thời gian ngắn, bao gồm đau tại chỗ tiêm, sốt, đau nhức cơ bắp và mệt mỏi."

Giáo sư Ward chỉ ra rằng một lượng lớn những người tiêm phòng cúm hàng năm cũng gặp phải những tác dụng phụ này. Các tác dụng phụ thường nhẹ, ít nhất sẽ hết sau vài ngày và có thể giảm bớt bằng paracetamol hoặc ibuprofen.

Không rõ phóng viên Robinson lấy con số 75% từ đâu, nhưng nó có thể đã được chọn lọc từ tỷ lệ tác dụng phụ nhẹ được báo cáo ở một nhóm tuổi trong giai đoạn trước của thử nghiệm.

Dữ liệu đầy đủ về các tác dụng phụ vẫn chưa được công bố cho giai đoạn gần đây nhất của thử nghiệm, nhưng Pfizer xác nhận rằng họ không quan sát thấy tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Những hiểu lầm về vaccine nói chung

Giải mã những tin đồn về vaccine COVID-19 - Ảnh 3.

Các chuyên gia y tế khuyến khích người dân nên tiêm phòng đầy đủ. (Nguồn: Reuters)

Vaccine có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng là một trong những lầm tưởng phổ biến nhất về vaccine, tiến sĩ Vishal Sehgal, Giám đốc dịch vụ Portea Medical, Ấn Độ, cho biết. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng không có mối liên hệ giữa việc tiêm phòng và chứng tự kỷ như nhiều người chống vaccine cáo buộc. Tiến sĩ Sehgal giải thích, chứng tự kỷ do nhiều yếu tố gây ra. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cùng thời điểm với lịch tiêm chủng của chúng. Ông khẳng định thêm rằng tiêm chủng không gây ra bất kỳ bệnh tật hoặc tử vong nào.

Theo Tiến sĩ Aggarwal, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa châu Á, các tác dụng phụ của vaccine rất hiếm và nhẹ và sẽ sớm biến mất. Trong một số trường hợp, trẻ em có thể xuất hiện các triệu chứng như co giật nhưng những tác dụng phụ như vậy là cực kỳ hiếm và được các bác sĩ theo dõi cẩn thận.

Các chuyên gia đảm bảo rằng vaccine được kiểm tra và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trước khi đưa ra thị trường.

Một hiểu lầm phổ biến khác, là người ta có thể bảo vệ bản thân khỏi các bệnh nhiễm trùng bằng cách giữ gìn vệ sinh, do đó vaccine không thực sự cần thiết. Các chuyên gia cho biết, dù việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đảm bảo mức sống tốt hơn và giảm nguy cơ nhiễm trùng, nó sẽ không bảo vệ con người hoàn toàn khỏi các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan. Tiến sĩ Sehgal cho biết việc trì hoãn hoặc từ chối tiêm chủng sẽ khiến con người dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng hơn.

Ngoài ra, một số người cho rằng, có khả năng miễn dịch bằng cách nhiễm bệnh một cách tự nhiên thì tốt hơn so với tiêm chủng. Sự thật là, vaccine kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể theo cách tương tự như phản ứng do nhiễm trùng tự nhiên, mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của con người, tiến sĩ Aggarwal cho biết. Ông nói rằng cái giá phải trả cho khả năng miễn dịch thông qua lây nhiễm tự nhiên cao hơn nhiều.

Các chuyên gia nhấn mạnh, tiêm vaccine là một trong những biện pháp can thiệp sức khỏe hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất trên toàn thế giới. Khoảng 2-3 triệu ca tử vong có thể được ngăn ngừa mỗi năm trên toàn cầu nhờ tiêm chủng thích hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước