Gia tăng tình trạng nghèo đói bởi đại dịch, kể cả ở những quốc gia giàu có

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 27/08/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 có nguy cơ đang tạo ra một "kỷ băng hà việc làm" và gia tăng tình trạng nghèo đói, kể cả ở những quốc gia giàu có.

80 triệu người ở châu Á rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực

Đại dịch COVID-19 có thể đã đẩy 80 triệu người ở châu Á rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực. Đây là nhận định mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Những người nghèo đói cùng cực được định nghĩa là những người có mức sống dưới 1,9 USD mỗi ngày (khoảng 43.000 VNĐ). Nếu không có COVID-19, tỷ lệ người nghèo cùng cực đáng ra phải giảm xuống còn 2,6% trong năm 2020, từ mức 5,2% vào năm 2017. Thế nhưng năm ngoái, tỷ lệ này lại tăng thêm 2% do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chỉ có khoảng 25% trong số các nền kinh tế thành viên của ADB ở châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận tăng trưởng kinh tế trong năm ngoái.

Gia tăng tình trạng nghèo đói bởi đại dịch, kể cả ở những quốc gia giàu có - Ảnh 1.

Thiệt hại kinh tế của đại dịch COVID-19 đã gia tăng thách thức cho thế giới trong việc đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu 2030 của Liên Hợp Quốc. Trong đó, các nước đề ra hàng loạt nhiệm vụ, từ chấm dứt nạn đói và bất bình đẳng giới, đến mở rộng tiếp cận với giáo dục và chăm sóc y tế.

Đói nghèo ở đất nước giàu có

Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, gần 10% dân số thế giới đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Tầng lớp thu nhập thấp và trung bình, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở nhiều quốc gia... có thể bị tê liệt hoặc sụp đổ trong tương lai vì các khoản nợ. COVID-19 có nguy cơ đang tạo ra một "kỷ băng hà việc làm" và gia tăng tình trạng nghèo đói, kể cả ở những quốc gia giàu có.

Từng hàng dài người xếp hàng nhận cứu trợ thực phẩm, dù là gần nửa đêm. Đó là hình ảnh quen thuộc từ khi dịch bùng phát tại các con phố ở Tokyo, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Với tỷ lệ thất nghiệp dưới 3% và nổi tiếng về mạng lưới an sinh xã hội, Nhật Bản cũng không thể chống chọi lại thảm họa kinh tế của đại dịch.

Gia tăng tình trạng nghèo đói bởi đại dịch, kể cả ở những quốc gia giàu có - Ảnh 2.

Người nhận cứu trợ cho biết: "Những nơi phát thực phẩm cứu trợ ngày ngày càng phổ biến, có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi tại quận Ikebukuro, Ueno, Shinjuku và Shibuya".

Khoảng 40% người lao động Nhật Bản đang làm những công việc thời vụ, dễ bị tổn thương với mức lương thấp và hợp đồng có thể dễ dàng bị chấm dứt. Giàu có là một hình ảnh của Nhật Bản, nhưng đại dịch đã hé lộ mặt trái ít được nói tới. Tại Nhật Bản, cứ 6 người thì có 1 người sống trong tình trạng "nghèo tương đối" với mức thu nhập thấp hơn một nửa mức trung bình của cả nước.

Ông Yuichiro - Người thất nghiệp nói: "Tại Nhật Bản, những điều này không được truyền thông đăng tải nhiều. Nhiều người đang ngủ tại bến tàu, một số đang chết vì đói, rất nhiều người không có đồ ăn. Hồi xưa thì có ít thôi, bây giờ thì rất nhiều người trẻ cũng đang vô gia cư".

Gia tăng tình trạng nghèo đói bởi đại dịch, kể cả ở những quốc gia giàu có - Ảnh 3.

Theo anh Ren Ohnishi - Người đứng đầu Trung tâm hỗ trợ cuộc sống độc lập Moyai: "Nhiều người Nhật đang làm việc bán thời gian và có mức lương thấp. Trong hệ thống xã hội của Nhật Bản, anh sẽ được giúp đỡ nếu là lao động chính thức toàn thời gian hoặc nếu có gia đình hỗ trợ. Nhưng một khi anh trượt khỏi mạng lưới an toàn, chẳng hạn như làm công nhân bán thời gian hoặc không có quan hệ tốt với gia đình, anh có thể dễ dàng rơi vào cảnh nghèo đói. Điều này làm cho sự nghèo đói ở Nhật Bản trở nên vô hình và điều này là duy nhất ở Nhật Bản".

Các chuyên gia cảnh báo, vết thương kinh tế có thể góp phần làm tăng tỷ lệ tự tử đang gia tăng từ cuối năm ngoái ở Nhật. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản tăng 1% nghĩa là có thêm khoảng 3.000 vụ tự tử mỗi năm. Đặc biệt là phụ nữ, những người đang đối mặt khó khăn kinh tế do đa số làm việc theo hợp đồng ngắn hạn trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng và khách sạn, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta hiện nay đang cản trở những nỗ lực phục hồi kinh tế, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của người nghèo và lao động yếu thế. Hiện có khoảng 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới, và đây sẽ là nhóm có nguy cơ cao bị tác động tiêu cực mạnh nhất, dễ mất việc làm nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Cạn kiệt nguồn viện trợ, hàng triệu người Brazil rơi vào cảnh nghèo đói Cạn kiệt nguồn viện trợ, hàng triệu người Brazil rơi vào cảnh nghèo đói

VTV.vn - Brazil, quốc gia có hơn 300 nghìn ca tử vong vì đại dịch, đang phải đối mặt với nỗi lo hàng triệu người dân rơi vào cảnh nghèo đói vì dịch bệnh kéo dài.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước