Bom đạn, căng thẳng ở Lebanon khiến số ca sinh non và tử vong ở thai nhi tại nước này gia tăng trong những tháng gần đây.
Bên trong Khoa Chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở thủ đô Beirut của Lebanon, ông Nicolas Baaklini - bác sĩ sản phụ khoa, 61 tuổi - đang theo dõi sức khỏe cho một bé gái trong lồng ấp. Ông cho biết bé gái này và em trai song sinh của bé bị sinh non từ một người mẹ phải di dời khỏi miền Nam Beirut do các vụ không kích.
Bác sĩ Baaklini cho biết ông nhận thấy tình trạng sinh non và tử vong ở thai nhi gia tăng kể từ khi chiến sự tại Lebanon bắt đầu diễn ra vào năm 2023.
Bác sĩ sản phụ khoa Nicolas Baaklini nói: "Điều sẽ xảy ra khi người mẹ mang thai bị ảnh hưởng bởi một vụ không kích ở gần đó, chính là áp lực lên bụng người mẹ sẽ làm vỡ ối. Khi nước ối vỡ, các cơn co thắt bắt đầu. Và ngay cả khi bạn đang ở tháng thứ 5, bạn sẽ sinh con. Vì vậy, bạn sẽ chuyển dạ sớm và có thể bị sảy thai sớm, nhưng đó là do tác động của vụ đánh bom, không phải do căng thẳng".
Bác sĩ sản phụ khoa Nicolas Baaklini chăm sóc trẻ sơ sinh.
Hiện tất cả các giường chăm sóc tích cực trẻ sơ sinh ở bệnh viện này đều đã kín chỗ.
Tahani Yassine đang trong tam cá nguyệt thứ 3 khi cô quyết định trở về quê nhà Beirut để sinh con.
Cô Tahani Yassine nói: "Những bà mẹ mang thai rất căng thẳng, sợ hãi khi nghe thấy tiếng máy bay chiến đấu và điều này cũng gây căng thẳng cho em bé trong bụng. Nếu họ sinh con trong hoàn cảnh đó, em bé sẽ bị căng thẳng, người mẹ sẽ bị trầm cảm và gặp các vấn đề về sức khỏe".
Yassine là trường hợp may mắn khi em bé cô sinh ra khỏe mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 11.600 phụ nữ mang thai ở lại Lebanon, trong đó có tới 4.000 người dự kiến sẽ sinh con trong ba tháng tới. Nhiều người trong số họ phải sơ tán và vật lộn với nơi ăn chốn ngủ, vệ sinh không đầy đủ. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước khi sinh, sau sinh và nhi khoa ngày càng trở nên khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!