Gia tăng bất bình đẳng thu nhập giữa nam và nữ

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 06/04/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, tiếp cận tốt hơn và bình đẳng hơn trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và lương hưu là bước cần thiết đầu tiên để thu hẹp khoảng cách lương theo giới.

Khoảng 80% người sử dụng lao động ở Vương quốc Anh đang trả lương trung bình cho nam giới cao hơn nữ giới trong công ty của mình. Thậm chí, khoảng cách chênh lệch đang có chiều hướng gia tăng kể từ năm 2017 khi nước này buộc tất cả các công ty có hơn 250 nhân viên phải báo cáo mức chênh lệch thu nhập giữa các nhân viên nam và nữ.

Theo báo cáo mới nhất của Financial Times, bất chấp những nỗ lực thu hẹp khoảng cách, tỷ lệ chênh lệch trung bình giữa mức lương của nam giới và nữ giới ở Anh là 12,2% trong năm 2022-2023, con số này trong năm 2017-2018 là 11,9%.

Số liệu cũng cho thấy 79,5% người sử dụng lao động trả lương cho nam giới cao hơn trong năm 2022-2023. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận. Những lĩnh vực ghi nhận mức lương chênh lệch nhiều nhất bao gồm giáo dục, tài chính, xây dựng, năng lượng, khoa học - công nghệ…

Với mức chênh lệch lương theo giới tính trung bình lên tới 23% trong năm 2021-2022 và 22,7% trong năm 2022-2023, lĩnh vực tài chính, cụ thể là ngành ngân hàng tại Anh đang chứng kiến sự bất bình đẳng thu nhập khá lớn.

Mức chênh lệch tại ngân hàng Goldman Sachs, chi nhánh tại Anh thậm chí đã tăng từ 51,3% của năm ngoái lên 53,2% - cao nhất trong số các nhà tuyển dụng tài chính lớn.

Gia tăng bất bình đẳng thu nhập giữa nam và nữ - Ảnh 1.

HSBC cũng là một trong những ngân hàng bất bình đẳng nhất ở Anh về trả lương theo giới. Phụ nữ được trả ít hơn 45,2% so với nam giới.

Khoảng cách tại ngân hàng Morgan Stanley là hơn 40%, trong khi tại ngân hàng Standard Chartered là 29%

Với các ngân hàng lớn, có 20 nghìn nhân viên trở lên: Tập đoàn ngân hàng Lloyds có khoảng cách chênh lệch là gần 35%, trong khi con số này là hơn 31% tại NatWest Group.

Các ngân hàng trên cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới khoảng cách về lương của giữa nhân viên nam và nhân viên nữ của họ là do phụ nữ ít được đảm nhận các vai trò cấp cao, trong khi nam giới thường nắm giữ vai trò lãnh đạo và được trả lương cao hơn. Các ngân hàng đồng thời cho biết họ đang từng bước giải quyết tình trạng này.

Nỗ lực thu hẹp chênh lệch lương theo giới tính

Nghị viện châu Âu mới đây đã phê chuẩn quy định, theo đó từ năm 2026, doanh nghiệp có nhiều hơn 100 nhân công phải định kỳ công bố thông tin về chênh lệch lương theo giới tính. Công ty phải cung cấp công cụ giúp người lao động tính mức lương trung bình cho một vị trí công việc, cũng như tính quy tắc tăng lương nhằm hạn chế phân biệt đối xử về tiền lương theo giới tính, theo gốc gác dân tộc, hay theo đặc điểm hình thể. Người lao động có thể yêu cầu được biết các mức lương cá nhân và mức lương trung bình, phân chia theo giới tính tại nơi làm việc. Nếu chênh lệch lên đến 5%, các công ty phải cùng công đoàn đàm phán tìm giải pháp khắc phục.

Gia tăng bất bình đẳng thu nhập giữa nam và nữ - Ảnh 2.

Quy định mang tính chất răn đe ngăn ngừa là chính, nhưng công ty bị phát hiện vi phạm quy định chắc chắn sẽ bị xử phạt, trong đó có cả phạt tiền, những nhân viên nhận thấy họ là nạn nhân của sự phân biệt đối xử có thể đòi bồi thường. Quy định này nêu rõ, bên sử dụng lao động có nghĩa vụ chứng minh không cố tình phân biệt đối xử theo giới tính, theo gốc gác dân tộc, hay theo đặc điểm hình thể. Quy định này tuy không bắt buộc công khai bảng lương của doanh nghiệp, nhưng cũng đã phá vỡ truyền thống bí mật tiền lương tại châu Âu. Các nước thành viên có ba năm để sửa Luật lao động nước mình theo quy định mới của Nghị viện châu Âu.

Trả lương bình đẳng theo giới tại Iceland

Từ trước khi châu Âu thông qua quy định mới để thu hẹp chênh lệch lương theo giới tính, nhiều nước đã thúc đẩy thu hẹp khoảng cách giới trong tiền lương. Một ví dụ điển hình là Iceland. Vào năm 2018, quốc gia này đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới đưa ra luật trả lương bình đẳng theo giới, nghĩa là các công ty phải trả lương cho lao động nữ bằng với mức lương của lao động nam. Quyết định này của Chính phủ Iceland đã cho thấy hiệu quả trong những năm qua.

Theo đạo luật được thông qua năm 2018, các công ty phải chủ động xin Chính phủ cấp chứng nhận trả lương bình đẳng. Điều này áp dụng đối với tất cả mọi công ty và tổ chức có từ 25 nhân viên làm việc toàn thời gian. Công ty, tổ chức nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ phải chịu mức phạt khoảng 500 USD/ngày.

Gia tăng bất bình đẳng thu nhập giữa nam và nữ - Ảnh 3.

Chị Elisabet, 34 tuổi, làm việc tại bộ phận tài chính của ngân hàng Landsbankinn, ngân hàng lớn nhất Iceland. Chị cho biết, tuy chưa bao giờ trải qua bất kỳ sự phân biệt đối xử nào giữa đồng nghiệp nam và nữ, nhưng chị vẫn rất hoan nghênh đạo luật này. "Tôi nghĩ, một trong những lý do cơ bản khiến chúng ta cần đạo luật này là bởi việc bất bình đẳng không phải là thứ bạn có thể dễ dàng cảm nhận hoặc nhìn thấy. Bạn có thể cảm nhận về nó, nhưng rất khó để chứng minh".

Iceland đã có luật bắt buộc phải trả lương bình đẳng cho nam và nữ từ năm 1961, tuy nhiên, quy định mới này đặt trách nhiệm lên người sử dụng lao động. Người lao động không còn phải chứng minh rằng họ đang bị phân biệt đối xử, mà thay vào đó, người sử dụng lao động phải chứng minh - trong trường hợp có chênh lệch lương - rằng giới tính không liên quan gì đến điều đó, mà thù lao dựa trên kinh nghiệm, hiệu quả công việc và các khía cạnh khác. Quá trình này phải thực hiện một cách minh bạch.

Ông Thorsteinn Viglundsson - Cựu Bộ trưởng Bộ Xã hội và Bình đẳng Iceland: "Tiêu chuẩn trả lương bình đẳng đang thực sự đảo ngược trách nhiệm đó, giao nó cho công ty để chứng minh rằng công ty không phân biệt đối xử với nhân viên của mình. Đây là vấn đề nhân quyền, được trả công bằng, được đối xử bình đẳng".

Với những nỗ lực của mình, quốc gia Bắc Âu này đã thu hẹp hơn 90% khoảng cách tiền lương theo giới tính, tính đến năm ngoái.

Theo các chuyên gia, tiếp cận tốt hơn và bình đẳng hơn trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và lương hưu là bước cần thiết đầu tiên để thu hẹp khoảng cách lương theo giới. Ngoài ra, việc giảm gánh nặng chăm sóc gia đình cũng có thể giúp nâng cao mức lương của phụ nữ vì họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho công việc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước