Trong một báo cáo về tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng, WB cho biết, lạm phát giá lương thực từ tháng 12/2022 đến tháng 3 năm nay vẫn ở mức cao tại hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, với mức lạm phát lớn hơn 5% ở 70,6% các quốc gia có thu nhập thấp, 90,9% các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và 87,0% ở những nước có thu nhập trung bình cao và nhiều quốc gia đang trải qua lạm phát ở mức hai con số.
Ngoài ra, 84,2% các quốc gia có thu nhập cao đang trải qua lạm phát giá lương thực cao, trong đó các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Phi, Bắc Mỹ, Mỹ Latin, Nam Á, châu Âu và Trung Á.
Cũng theo WB, sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát, những chính sách liên quan đến thương mại do các nước áp đặt đã tăng mạnh.
Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên tồi tệ hơn do ngày càng có nhiều quốc gia áp đặt các hạn chế thương mại lương thực, khi 23 quốc gia thực hiện 29 lệnh cấm xuất khẩu lương thực và 10 quốc gia thực hiện 14 biện pháp hạn chế xuất khẩu, tính đến ngày 13/3.
Tổ chức tài chính lớn nhất này cũng cho biết, sản xuất tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiếp tục phục hồi vào năm 2022, đây là năm bản lề để nối lại các cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng tư nhân.
Trong khi Đông Á, Thái Bình Dương, Mỹ Latin, Caribe và Nam Á chứng kiến sự quay trở lại mức đầu tư trước đại dịch, châu Âu và Trung Á ghi nhận các cam kết đầu tư thấp hơn do khủng hoảng ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!