Chuẩn bị tiêm vaccine sốt rét tại bệnh viện Lumumba Sub-County ở Kisumu, Kenya, ngày 1/7/2022. (Ảnh: Reuters)
Vaccine sốt rét R21/Matrix-M đã được chứng minh là có hiệu quả lên tới 80% trong một thử nghiệm được thực hiện với 400 trẻ em ở Burkina Faso, được công bố vào tháng 9/2022.
Sốt rét khiến hơn 600.000 người tử vong mỗi năm, hầu hết là trẻ em ở châu Phi và việc nghiên cứu, bào chế vaccine sốt rét đã được triển khai ra trong nhiều thập kỷ qua.
Cứ 75 giây lại có một trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì sốt rét, căn bệnh do muỗi truyền bệnh, mặc dù đã sử dụng màn, thuốc phòng ngừa và phun thuốc diệt côn trùng.
Cơ quan quản lý dược phẩm ở Ghana hiện đã phê duyệt loại vaccine này sau khi xem kết quả của một thử nghiệm lớn hơn ở giai đoạn ba với sự tham gia của 4.800 trẻ em ở Burkina Faso, Kenya, Mali và Tanzania. Những kết quả này dự kiến sẽ được công bố trên một tạp chí y khoa trong những tháng tới, khi Tổ chức Y tế Thế giới hoàn thành đánh giá của mình.
Nếu WHO chấp thuận, các tổ chức như UNICEF và liên minh vaccine Gavi có thể tài trợ hàng triệu liều vaccine.
Nhà khoa học Oxford, Giáo sư Adrian Hill, người đứng đầu chương trình R21/Matrix-M tại Viện Jenner, cho biết, Ghana đã phê duyệt vaccine này cho trẻ từ 5 tháng đến 36 tháng tuổi, nhóm có nguy cơ mắc sốt rét cao nhất.
Một thỏa thuận sản xuất tới 200 triệu liều vaccine hàng năm đã được thống nhất với Viện Huyết thanh Ấn Độ.
Vaccine R21/Matrix-M đã được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm với ba liều cách nhau bốn tuần và một liều nhắc lại một năm sau đó.
Vaccine R21 được thử nghiệm ở Burkina Faso, Kenya, Mali và Tanzania. (Ảnh: Đại học Oxford)
Giáo sư Hill cho biết, thử nghiệm giai đoạn ba trên quy mô lớn hơn cho thấy "mức độ hiệu quả cao và tính an toàn", và kết quả này dường như đã mang lại cho Ghana sự tự tin để phê duyệt R21/Matrix-M.
Giáo sư Hill cho biết, đây là lần đầu tiên một loại vaccine được thử nghiệm trên quy mô lớn được phê duyệt ở một quốc gia châu Phi trước các quốc gia giàu có.
Vaccine sốt rét đầu tiên, Mosquirix của công ty dược phẩm GSK (Anh), đã được WHO chấp thuận vào năm 2022, nhưng việc triển khai vaccine đã bị hạn chế bởi tiềm năng thương mại và thiếu kinh phí.
GSK cam kết sẽ sản xuất tới 15 triệu liều vaccine mỗi năm cho đến năm 2028, nhưng còn quá xa so với con số 100 triệu liều mà WHO cho biết là cần thiết để cung cấp cho 25 triệu trẻ em.
Cho đến nay, khoảng 1,2 triệu trẻ em ở Kenya, Ghana và Malawi đã tiêm ít nhất một liều vaccine Mosquirix như một phần của chương trình thí điểm bắt đầu vào năm 2019.
Tại những khu vực mà WHO quản lý, tổ chức này cho biết, tỷ lệ tử vong ở trẻ em do mọi nguyên nhân đã giảm 10%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!